Đàn tính, hát then được gìn giữ, phát huy tại Bình Phước
- Thứ sáu - 21/07/2017 10:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ những năm 1991, nhiều gia đình từ các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Thời gian đầu họ chủ yếu canh tác lúa nước, hoa màu nên cuộc sống chỉ đủ ăn. Vài năm sau với bản tính cần cù, ham học hỏi, những hộ dân ấp Sóc Nê đã chuyển đổi cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hai cháu Vy Thị Lan Hương (trái) và Vương Thị Kim Oanh đam mê đàn tính, hát then
Ông Vương Văn Thè (59 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ đàn tính, hát then ấp Sóc Nê nhớ lại: “Lúc đầu từ quê vào xây dựng kinh tế mới, nhà nào cũng gặp khó khăn nhưng sau này cuộc sống đã khá hơn nhờ biết tính toán làm ăn và chịu khó lao động. Trong các dịp tết, lễ, bà con gắn bó với nhau hơn nhờ tham gia biểu diễn đàn tính, hát then. Do không có điều kiện, ban đầu đàn tính chỉ làm bằng gáo nước, dây cước, cây tre nhưng sau này khi về quê chúng tôi mua đàn vào chơi”.
Niềm đam mê nghệ thuật và chung cảnh xa quê, từ đó đàn tính, hát then đã trở thành cầu nối của dân tộc anh em Tày, Nùng trong Sóc Nê. Đến năm 2005, họ thành lập câu lạc bộ với 6 thành viên, sinh hoạt một lần/tháng, nay thu hút thêm 12 hội viên. Hoạt động nền nếp, các hội viên vui mừng khi câu lạc bộ tạo được uy tín lớn trên địa bàn. Qua đó, hội viên có dịp đi giao lưu biểu diễn trong và ngoài tỉnh để mang tiếng đàn, lời hát của dân tộc về quê hương Bình Phước đến mọi người.
Ảnh hưởng từ các bậc cha ông, hiện nay tại ấp Sóc Nê có nhiều cháu tham gia Câu lạc bộ đàn tính, hát then. Cháu Vy Thị Lan Hương (2005) cho biết: “Ban đầu học đàn rất khó nhưng dưới sự truyền dạy nhiệt tình của các cô, chú trong câu lạc bộ nên cháu đã hiểu nhiều hơn. Qua câu lạc bộ đàn tính, hát then cháu biết thêm nhiều bài hát ca ngợi về quê hương, đất nước”.
Hiện nay, Câu lạc bộ đàn tính, hát then ấp Sóc Nê có khá nhiều bài hát về quê hương Bình Phước bên cạnh những bài hát truyền thống của dân tộc. Trong thời gian tới, định hướng của câu lạc bộ là sẽ cố gắng mở rộng truyền dạy cho thanh niên để có sự kế thừa tốt nhất. Với tiếng đàn, lời hát ngợi ca quê hương, tình yêu lứa đôi, lao động đã mang lại “luồng sinh khí mới” trên vùng đất biên giới Bù Đốp.