“Đàn đá tiền sử” ở Bình Phước những giá trị đã được nghiên cứu

Các chuyên gia đang khai quật bộ Đàn đá Lộc Hòa II

Các chuyên gia đang khai quật bộ Đàn đá Lộc Hòa II

Đàn đá (Lithophone) là một trong những loại hình di vật khảo cổ học tiêu biểu vào bậc nhất của văn hóa vật chất thời nguyên thủy ở Miền nam Việt Nam.

“Đàn đá tiền sử” được gọi với nhiều tên khác nhau, các chuyên gia gọi là “Thạch cầm”, “T’rưng lithophon”, “N’dutlieng”; bà con vùng bản địa gọi bằng cái tên “Goong lú” tức Cồng đá. Đàn đá là một nhạc cụ gõ cổ nhất của người Việt cổ và là một trong những loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn được làm bằng các thanh đá với kích thước dài, ngắn, dày, mỏng và âm vực khác nhau.

Ngày 02 tháng 02 năm 1949, các công nhân mở đường đã phát hiện 11 thanh đá lạ ở làng M’nông Gar Ndut Lieng Krak (Dak Lak). Đây là điểm mốc đánh dấu quá trình phát hiện “Đàn đá tiền sử” ở Việt Nam. Sau bộ Đàn đá trên, các nhà nghiên cứu còn ghi nhận thêm nhiều bộ được phát hiện ở Tây Nguyên và miền Nam trung bộ như: Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Định, Lâm Đồng, Đaklak… Tại Bình Phước, năm 1996, ông Nguyễn Hữu Triều ở ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước đã phát hiện 02 hai bộ Đàn đá Lộc Hòa I và II, nâng tổng số các bộ đàn đá được phát hiện và lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh Bình Phước lên thành 5 bộ cùng nhiều thanh phát hiện đơn lẻ với tổng số là 38 thanh. Những địa điểm phát hiện đàn đá tiền sử khác trên địa bàn tỉnh như: xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, xã Lộc Khánh, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng. Ngoài ra qua quá trình khai quật các di chỉ “Thành đất tròn” còn tìm thấy các mảnh vỡ của Đàn đá có cùng chất liệu đá và hình dáng các mảnh vỡ này cũng giống như hai bộ Đàn đá Lộc Hòa I và II.

Hai bộ Đàn đá Lộc Hòa I và II, lần đầu tiên ở Việt Nam, chúng ta được tiếp cận với bộ đàn đá còn nguyên vẹn trong lòng đất. Sau đó, PGS. TS Phạm Đức Mạnh cùng Bảo tàng tỉnh Bình Phước tiến hành khai quật địa điểm này trong đề tài khảo sát cấp tỉnh năm 1997-1998, đã phát hiện thêm hàng ngàn di vật đá – di vật gốm cổ trong tầng văn hóa chứa đựng hai bộ đàn đá này. Năm 2001-2002, với đề tài cấp trường ĐHKHXH&NV-ĐHQG Tp Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu chuyên sâu sau khai quật, giám định các di tồn văn hóa cổ và khảo cứu chỉnh lý cả các di vật giống đàn đá được phát hiện ở Hớn Quản, Lộc Ninh, Phước Long (Bình Phước) và cả ở Nam Tây Nguyên và Nam Bộ để xây dựng thành chuyên khảo về: “Đàn đá tiền sử Lộc Ninh” xuất bản năm 2007. Có thể khẳng định, đây là công trình nghiên cứu đầu tiên về Đàn đá trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ trước tới nay.

Về chất liệu , theo Tiến sỹ Trình Năng Chung – thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam “các thanh đàn đá ở Bình Phước đều được chế tác từ đá phun trào núi lửa”. Loại đá này chịu sự tác động khác nhau của phong hóa ở các mức độ khác nhau, với các màu sắc khác nhau như màu xanh đen, xám xanh, xám tro… Loại đá này có độ cứng và modun đàn hồi cỡ trung bình nên dễ gè đẽo và tu sửa. Kết quả phân tích thạch học, qua kính hiển vi phân cực của các chuyên gia để xác định tên đá ở di chỉ khảo cổ Lộc Hòa là đá có tên gọi đá Bazan hạnh nhân (nguyên sinh) Metobazan; sét kết nhiễm vôi, bột đá, bột kết sừng hóa, sét bột kết phân lớp mịn nguồn núi lửa trong di chỉ lộc hòa.

Kỹ thuật chế tác đàn đá hầu hết được gia công gè đẽo tạo dáng và tu chỉnh bằng phương pháp thủ công trực tiếp. Về tính chất Âm nhạc học của Đàn đá, theo các nhà chuyên môn với âm sắc gọn, độ cao rõ rệt, ngân dài đạt yêu cầu của một nhạc khí. Đàn đá gắn liền với đời sống của lớp người cổ xưa và là một nhạc khí, không phải một nhạc cụ gây tiếng động bình thường.

Việc phát hiện nguyên bộ Đàn đá Lộc Hòa I và II (bộ 12 thanh và bộ 14 thanh) có ý nghĩa khoa học lớn, được giới nghiên cứu lịch sử - văn hóa, nghệ thuật rất quan tâm. Theo giám định “bằng tai” đến các thiết bị chuyên dụng hiện đại của giới chuyên gia về Đàn đá Lộc Hòa, tạm xếp 6 thanh thang âm Nam và 6 thanh thang âm Bắc. Qua phân tích niên đại tuyệt đối bằng phương pháp giám định C14 cho kết quả di chỉ Lộc Hòa có niên đại 3190+_  70 năm cách ngày nay.

Cả hai cụm Đàn đá đều còn nguyên vẹn trong tầng văn hóa khảo cổ. Về cơ bản, các thanh đều được chế tác từ đá sừng màu xám đen, hạt mịn đến rất mịn chịu sự tác động của phong hóa… Bằng kỹ thuật tu chỉnh cấu thành hình dạng khá ổn định, có hai đầu dày và hơi loe miệng, lõm hơi thắt eo ở giữa thanh đá. Ở mỗi cụm đàn, các thanh đá được phối trí gần giống như hình nón cụt, khi gõ lên chúng phát ra một chuỗi âm thanh rất vang và trong ở các cung bậc khác nhau. Đàn đá Lộc Hòa là thành quả của một quy trình kỹ thuật- nghệ thuật chế tác hoàn chỉnh và tinh xảo, kỳ công và đặc thù của miền văn hóa này.

Theo đánh giá của Giáo sư Tô Vũ, hai bộ Đàn đá Lộc Hòa là “thạch cầm cổ” có giá trị rất lớn về mặt văn hóa nghệ thuật của cư dân đã sống tại vùng miền núi Nam Trường sơn từ thời tiền cổ đại – cách ngày nay khoảng 3000 năm, tương đương thời nhà Thương ở Trung Quốc. Điều đặc biệt là hai bộ Đàn đá Lộc Hòa hầu như còn nguyên vẹn, do vậy nó có giá trị cao trong việc nghiên cứu về âm nhạc học, dân tộc học… Đàn đá là niềm tự hào của dân tộc, nó khẳng định bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống của chúng ta.

Tác giả bài viết: Đinh Nho Dương - Bảo tàng tỉnh