Cuốn sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Phước
- Thứ ba - 24/07/2018 15:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã bày tỏ: “Nhân dân ta rất biết ơn các Bà Mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta…”
Đối với dân tộc ta, Mẹ Việt Nam từ ngàn đời luôn là biểu tượng cao quý của sự dịu dàng, lòng trung hậu, đức bao dung, tính đảm đang. Hình ảnh người Mẹ đã đi vào trang sách, lời ru, câu hò, tiếng hát, vần thơ thắm đượm tình người. Mẹ Việt Nam một đời lam lũ, tảo tần, chắt chiu nuôi dạy bao thế hệ con cháu. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, Mẹ là điểm tựa, là niềm tin vững bền, là bóng mát chở che, là nhựa sống truyền cho chồi non, lộc biếc lớn lên thành những người con ưu tú của đất nước.
Khi đất nước bị xâm lược, ngập chìm trong khói lửa, nước mất nhà tan, rất nhiều người Mẹ đã trở thành chiến sĩ, âm thầm lập nên những chiến công; Mẹ đọ sức với đại bác, lưỡi lê, dùi cui, rào gai, máy chém, xe tăng, mưu ma chước quỷ của kẻ thù. Những Bà Mẹ không ngại gian nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, biết bao chuyến đò đưa chiến sĩ qua sông. Biết bao người Mẹ bị giặc bắt, giam cầm, tra tấn dã man, nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, giữ vững khí tiết cách mạng, kiên gan đối mặt với quân thù. Biết bao người Mẹ tiễn chồng, tiễn con ra trận và mòn mỏi đợi chờ, đau khổ đến lặng người và nuốt ngược nước mắt vào lòng khi những người thân yêu nhất, núm ruột của mình mãi mãi ra đi, không trở lại! Không ít những Bà Mẹ bị địch giết hại, những Bà Mẹ hy sinh chưa tìm được hài cốt, những Bà Mẹ - Liệt sĩ hy sinh ở tuổi thanh xuân, con của Mẹ được người thân nuôi dưỡng và trở thành những chiến sĩ kiên trung.
Mẹ Việt Nam anh hùng là điển hình cho sự hy sinh cao cả về khát vọng tự do, hạnh phúc của một dân tộc anh hùng. Trong hai cuộc kháng chiến, khu vườn nhà mẹ là hầm bí mật, mẹ cùng chồng, con nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội. Với gánh hàng rong trên vai, mẹ xuôi ngược khắp phố phường, vừa buôn bán, vừa nắm bắt thông tin, vừa làm liên lạc cho cách mạng. Mẹ tiếp tế từng nắm cơm, cái bánh, từng củ khoai cho cán bộ chiến sĩ… Những câu chuyện ấy sẽ được chính các mẹ kể lại với các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Đảm đang, tần tảo, lam lũ một đời thương chồng, nuôi con, nuôi bộ đội đánh giặc và bản thân mình cũng trở thành những chiến sĩ mưu trí, ngoan cường, là những tấm gương cao đẹp, trong sáng của Mẹ Việt Nam mà tiêu biểu nhất là của các BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG - những người có công sinh thành, dưỡng dục, nuôi lớn và hiến dâng cho dân tộc lớp lớp thế hệ anh hùng. Mẹ sẵn sàng chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả; Mẹ không đòi hỏi gì cho riêng mình, chỉ với mong muốn bình dị tột cùng là con cháu thành người, mãi mãi trung thành với Tổ quốc, gắn bó với Nhân dân.
Chiến tranh là sự tàn phá, mất mát và đau thương! Mất mát lớn nhất là mất mát về con người; đau thương lớn nhất là nỗi đau của người Mẹ mất con, người vợ mất chồng và những đứa con thơ mất mẹ. Cuộc kháng chiến đã lùi xa, nhưng Mẹ vẫn đau nỗi đau xé lòng, buồn nỗi buồn khôn nguôi, sống với kỷ niệm không phai và hình ảnh không mờ của những người thân yêu nhất. Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Mẹ liệt sĩ đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta; cuộc đời và sự cống hiến cực kỳ to lớn của các Bà Mẹ mãi mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo các gia đình chính sách, các đồng chí thương binh và gia đình có công với Nước. Nhiều năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Bình Phước đã luôn tự giác, tích cực “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Cùng với việc thực hiện nghiêm chế độ theo qui định của Nhà nước, việc phụng dưỡng của các cơ quan, đơn vị, của các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân các địa phương được thực hiện bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, thiết thực chăm lo sức khỏe, từng bữa ăn, giấc ngủ của các Mẹ, chăm sóc Mẹ khi đau ốm, trái gió, trở trời, gần gũi với Mẹ như người thân, mong được làm ấm lòng Mẹ lúc tuổi cao, sức yếu,… Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính, cùng sự biết ơn sâu sắc đã góp phần rất nhỏ bé để các Mẹ sống vui hơn, sống khỏe hơn, sống thọ hơn, để thấy quê hương, đất nước ngày thêm đổi mới và phát triển.Chúng ta nguyện làm yên lòng và luôn xứng đáng với hương hồn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh; dù thử thách đến mấy vẫn quyết tâm xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kính chúc quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng trường thọ, sống khỏe, sống vui với con cháu, người thân; chúc thân nhân của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các Gia đình liệt sĩ mạnh khỏe, hạnh phúc.
Nhằm tôn vinh, tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiệnđang sống hoặc được thờ cúng trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã chỉ đạo biên soạn cuốn sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Phước. Nội dung cuốn bao gồm các bài viết về tiểu sử của 335 Bà mẹ ở 11 huyện, thị xã, qua đó phần nào làm rõ những cống hiến hy sinh to lớn của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Phước.Cuốn sách được trình bày đẹp, trang trọng, trong 395 trang gồm có: lời Nhà xuất bản, lời nói đầu, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Việc xuất bản cuốn sách Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Phước là thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm và là món quà mang năng nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước trân trọng gửi đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống; là nén tâm nhang thành kính mang theo bao lời tri ân của thế hệ con cháu hôm nay và mai sau dâng lên hương hồn những Bà mẹ đã khuất; đồng thời là tài liệuquý, có giá trị thực tiễn để giáo dục cho thế hệ trẻ Bình Phước về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất, đầy anh dũng của các thế hệ cha anh trên quê hương Bình Phước thân yêu.
Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật xuất bản năm 2018 hiện đang có tại Thư viện tỉnh Bình Phước, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.