Chiếc nỏ trong đời sống người Mơnông

Chiếc nỏ trong đời sống người Mơnông

Nỏ là dụng cụ truyền thống của người Mơnông dùng để săn bắn các loài thú và là vũ khí thô sơ để chiến đấu bảo vệ người dân trong bon thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ngày nay, chiếc nỏ được trưng bày trong bảo tàng và bắn nỏ trở thành môn thể thao truyền thống tại các cuộc thi, lễ, hội của người Mơnông.

Trước đây, người Mơnông có lối sống du canh, du cư. Họ sinh sống tại các sườn đồi thấp và canh tác trên những vùng đất thấp, trũng cạnh sông, suối, đầm... với phương thức sản xuất thô sơ. Trong đời sống lao động và sinh hoạt thường ngày, nam giới đảm nhận công việc nặng nhọc như khai hoang, phát rừng làm rẫy, chế tác thuyền độc mộc, làm nhà, đan lát... và săn bắt thú rừng; còn nữ giới hái lượm, làm nương, thêu dệt và làm công việc nhà. Bởi vậy, người con trai ngay từ khi còn nhỏ đã được cha, ông dạy và truyền đạt những kinh nghiệm săn bắt thú rừng từ kỹ thuật cơ bản đến thuần thục. Người Mơnông cho rằng, nam giới đến tuổi trưởng thành có sức khỏe, có tài săn bắt thú rừng, làm rẫy giỏi... sẽ được nữ giới chọn làm chồng để gánh vác công việc, trọng trách trong gia đình, dòng họ.

 

Người Mơnông xưa sử dụng nhiều dụng cụ để săn bắn thú rừng như lao, đao, bẫy... Trong đó, nỏ là công cụ rất hữu hiệu và không thể thiếu ở bất cứ gia đình nào, mỗi nhà có từ 2-3 chiếc. Nỏ nhỏ dùng cho người sức yếu và săn bắt thú nhỏ, còn nỏ lớn tầm 1 sải tay dành cho nam giới có sức khỏe và kinh nghiệm để săn bắn thú lớn hơn. Chiến lợi phẩm từ săn bắn đã giúp cải thiện bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình người Mơnông. Nếu săn bắt được nhiều thì họ để ăn dần hoặc chế biến thành những món ăn chiêu đãi khách quý trong các sự kiện trọng đại của gia đình, dòng họ.

Để chế tác 1 chiếc nỏ đảm bảo tính thẩm mỹ, độ bền, cứng của thân, cánh nỏ có tính đàn hồi, dây nỏ có độ bền cao và đặc biệt là tính cân bằng của cánh nỏ, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và sự sáng tạo. Chiếc nỏ của người Mơnông gồm các bộ phận: Thân nỏ, lẫy nỏ, cánh và dây nỏ, cùng với đó là mũi tên, ống đựng tên (hay giỏ đựng tên). Theo những người thợ có kinh nghiệm chế tác nỏ, thân và cánh nỏ được làm từ lõi của cây gỗ tốt, ít bị mục, mối mọt và có tính đàn hồi, có độ bền cao trong quá trình sử dụng. Để tạo độ chính xác, phần đầu thân nỏ được người thợ xẻ một rãnh kéo dài tới lẫy nỏ để làm đường ngắm. Cánh nỏ là nơi chịu lực đòi hỏi có tính đàn hồi cao nên thường được làm từ thân dừa rừng (hoặc tre già) và cũng đòi hỏi sự tinh xảo không kém. Để chuốt cánh nỏ không để lại vết xước thì người thợ phải đều tay vuốt về hai đầu cánh nỏ nhỏ dần, mỗi đầu cánh tạo một mấu gờ để cài dây nỏ khi sử dụng. Dây nỏ được người thợ chọn từ những loại vỏ cây rừng có độ bền, độ dẻo dai khi kéo không bị đứt; vỏ cây thường dùng cây gai, vỏ của rễ cây đa trong rừng, tước lấy vỏ, đập giập đem ngâm nước lấy phần sợi trắng. Sau đó, đem se những sợi này lại với nhau cho dây săn lại rồi cài vào 2 đầu cánh nỏ.

Ngày nay, việc sử dụng nỏ để săn bắn các loài thú rừng không còn diễn ra như trước nhưng mỗi khi chúng ta đến các bon vẫn thấy một vài gia đình còn treo nỏ trong góc nhà hay trên gác bếp...

Theo Báo Bình Phước

Nguồn tin: Báo Bình Phước