Cây mây Trong đời sống cuả người Stiêng
- Thứ tư - 20/05/2020 10:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ảnh đại diện
Đối với đồng bào dân tộc Stiêng, mây chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt, đời sống và ẩm thực. Từ bao đời nay, dù sướng khổ, thăng trầm, dây mây vẫn luôn "quấn quýt", "gắn kết" với cộng đồng, đồng thời trở thành một biểu tượng văn hóa của người Stiêng.
Mây là một loại cây rừng mọc thành bụi, có dây dài đến hàng chục mét. Đồng bào Ê đê, Stiêng thường dùng thân mây làm dây buộc các cột kèo để cất nhà ở, dùng lá mây để lợp mái nhà. Khi lợp, các lá mây rừng được nối kết với nhau bằng dây mây chẻ nhỏ, chuốt nhẵn để tăng độ dẻo dai. Những ngôi nhà lợp bằng lá mây có độ bền còn cao hơn so với cỏ tranh. Có nhiều căn nhà lợp lá mây chịu được mưa gió, nắng nóng hàng chục năm mới phải lợp lại.
Ông Điểu Sarem, ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi chia sẻ, trong các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, lao động sản xuất hằng ngày, có nhiều vật dụng tinh xảo được làm từ sợi dây mây rừng như dụng cụ săn bắt thú, các loại gùi, dần, sàng, nia… Các vật dụng sinh hoạt như gùi, bắt cá, săn bắt muốn có những hoa văn tỉ mỉ, chi tiết (hình đường xương cá, hình con cuốn chiếu, xà gạc, bông hoa…) phải dùng dây mây mới đan được.
Ông Điểu KBanh, ấp Lam Sơn, xã Tân Phước nói: “Mấy chục năm nay tôi sống bằng nghề đan gùi, hàng ngày đều vào rừng kiếm mây về để đan, giờ già rồi thì kêu con đi chặt mây về cho, mỗi tháng cũng đan được 7 chiếc, tuy không kiếm được tiền nhiều nhưng nó là miền vui được giữ nghề truyền thống dân tộc mình”.
Ngoài ra, dây mây còn được trang trí trên cây nêu, đan giỏ treo các vật dụng nhỏ như túi đựng cơm, dây gùi, nỏ… Sở dĩ mây được các nghệ nhân đan lát người Stieng chọn bởi tính năng bền, bóng, dẻo. Mỗi khi các thành viên trong gia đình đi rẫy, vào rừng, đi chơi xa gặp dây mây đều tranh thủ lấy về treo trên dàn bếp, tích lũy đến khi cần thì sử dụng.
Chị Thị Có, ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi cho biết, trong ẩm thực của người Stieng, đọt (ngọn) mây là món ăn phổ biến, dù chế biến kiểu gì đều có vị béo, ngọt, đắng dịu. Món ăn đơn giản nhất từ đọt mây là món mây nướng, luộc hoặc hấp cơm, sau đó chấm với muối ớt tươi giã nhỏ. Cầu kỳ hơn, đọt mây được dùng làm món canh thụt - món ăn đặc trưng của người Stieng. Để chế biến món ăn này, ngoài đọt mây phải có lá bép, cà đắng, cá hoặc thịt, tất cả được bỏ vào ống lồ ô nướng trên lửa. Trong quá trình nấu dùng một que tre chọc (thụt) cho nhuyễn. Có lẽ vì thao tác này mà món ăn được đặt tên là canh thụt.
Tại các lễ nghi trong gia đình và cộng đồng, canh thụt là món ăn, lễ vật cúng thần linh không thể thiếu. Theo kinh nghiệm, để có món canh thụt ngon phải chọn ống lồ ô kỹ càng, nếu chọn ống non sẽ không ngon vì nhựa cây sẽ hăng và đắng, nếu chọn ống quá già, lửa sẽ làm nứt ống, canh sẽ chảy ra ngoài. Khi nấu không được dựng ống lồ ô thẳng đứng mà phải để nghiêng trên lửa, vừa thụt vừa quay tròn để canh chín đều, đồng thời đun lửa riu riu đến khi các loại nguyên liệu nhuyễn thành một thứ hỗn hợp sền sệt như súp. Khi món canh chín, người ta thêm các loại gia vị như muối, ớt, một chút rau thơm vào là có thể dùng được.
Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm thấy mùi thơm của lá bép, vị cay của ớt, vị bùi, béo của đọt mây. Đặc biệt, khi ăn miếng đầu tiên, thực khách sẽ thấy có vị đắng của đọt mây tưởng như khó ăn, nhưng vị ngọt sẽ nhanh chóng lan tỏa, khiến muốn ăn thêm miếng nữa.
Theo kinh nghiệm của đồng bào, đọt mây ăn nhiều không bị nặng bụng như măng. Vì thế, không chỉ là món ăn, đọt mây còn là một vị thuốc thường được đồng bào Stieng dùng để giải độc rượu, trị đầy hơi, trướng bụng và cũng là món ăn rất tốt cho phụ nữ mới sinh, cho người già sức yếu và những em bé còi xương. Ngày nay, đọt mây đã trở thành món ăn phổ biến, đặc trưng ở nhiều nơi. Nhiều nhà hàng có tiếng trên địa bàn đã đưa món đọt mây vào thực đơn.
Vào mùa mây, bà con dân tộc lên rừng bứt mây mang về bán cho cơ sở thu mua chở về xuôi làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mỗi ngày có thể thu về từ 100.000 - 200.000 đồng/ 1 người, góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Do mây có nhiều công dụng nên số lượng mây mỗi ngày một giảm. Người dân cũng mong có dự án trồng mây giúp người bà con dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.