Ca sĩ Thanh Xuân: Đam mê đi liền khổ luyện
- Thứ sáu - 27/03/2020 14:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thời điểm này có thể nói, ca sĩ Phạm Thị Thanh Xuân (ảnh), Đội trưởng Đội ca thuộc Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh đang ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp. Là nghệ sĩ hiếm hoi của tỉnh có 15 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp với thành tích đoạt 2 huy chương vàng toàn quốc và đang được đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, ca sĩ Thanh Xuân đã và đang tỏa sáng bằng năng lực, sự sáng tạo của bản thân.
HẾT MÌNH VÌ NGHỆ THUẬT
Đi lên từ phong trào văn nghệ ở cơ sở, ca sĩ Thanh Xuân sớm ý thức được bản thân chỉ là “tay ngang” trong môi trường nghệ thuật. Không có nhiều điều kiện thuận lợi, chị nuôi dưỡng đam mê bằng cách “tự thân vận động”. Ca sĩ Thanh Xuân cho hay: Từ những năm học lớp 8, 9, tôi đã tham gia các hội thi, phong trào văn nghệ do lớp, trường tổ chức, đồng thời cộng tác với Trung tâm Văn hóa Đồng Xoài để có thêm tiền đóng học phí, mua trang phục, dụng cụ biểu diễn.
Tốt nghiệp THPT đúng lúc Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh tuyển người, chị đăng ký thi tuyển nhưng chỉ trúng vào vị trí dự bị. Với niềm đam mê ca hát, chị càng quyết tâm rèn luyện để tạo cho mình chỗ đứng riêng. Sau 2 năm tự học, tự rèn, ca sĩ Thanh Xuân đã trở thành Đội trưởng Đội ca cho đến nay. Nhớ lại những ngày tháng tự trau dồi, chị kể: Thời gian đó, đoàn hay mời các thầy, cô về tập huấn. Tranh thủ thời gian tập huấn, tôi theo các thầy, cô để học hỏi, luyện tập mọi lúc, mọi nơi, nhất là cách nhấn, nhả chữ. Say mê và tập trung rèn luyện, tôi cảm nhận được bài hát đó hay ở đoạn nào và những chỗ đó mình cần xử lý như thế nào cho khác, lạ mà vẫn giữ nguyên hoặc làm tác phẩm hay hơn, ấn tượng hơn với người nghe. Nhờ các thầy cô hướng dẫn cách luyện thanh, lấy hơi, hát... tôi tiến bộ rất nhiều và được phát hiện có giọng giả thanh, giọng gió (tông cao tự nhiên - PV). Chính điều này giúp tôi thêm tự tin trên con đường nghệ thuật.
“HÁT NHẠC TRUYỀN THỐNG, TÔI THẤY ĐÓ MỚI LÀ MÌNH”
Nhận thấy bản thân có khả năng hát nhạc truyền thống, thính phòng nên ca sĩ Thanh Xuân đã dành nhiều thời gian tập luyện và tạo ra ngã rẽ đặc biệt trong sự nghiệp. Năm 2007, nghe ca sĩ Ánh Tuyết hát bài Lên ngàn, chị đã mạnh dạn tập thử cùng với đàn piano. Chắt lọc bài học kinh nghiệm từ các lớp tập huấn, những lần dàn dựng cùng thầy cô..., chị chuyên tâm luyện tập giọng gió. Sau đó, thành công của bài hát Lên ngàn đã khiến chị một lần nữa nhận ra bản thân có giọng giả thanh tự nhiên nên khi thể hiện bài hát không bị gò ép mà vẫn giữ được sự mềm mại vốn có của âm nhạc. Đồng thời, nhờ tập luyện thường xuyên nên chị biết cách xử lý, nhất là kiềm giọng, đợi đến lúc cao trào mới “bung” và đặt cái tôi, cảm xúc vào nhạc phẩm làm cho bài hát “có hồn” và mang dấu ấn cá nhân đậm nét, từ đó chạm đến trái tim người nghe.
“Trưởng thành từ phong trào cơ sở, năm 2005, tôi được kết nạp Đảng. Là đảng viên, nghệ sĩ đối với tôi đó là vinh dự lớn lao. Vì vậy, tôi luôn phấn đấu học tập, rèn luyện cống hiến cho nghệ thuật. Tình yêu nghệ thuật của tôi luôn đồng hành với tình yêu quê hương, đất nước và đó cũng là mục tiêu lớn lao tôi luôn nỗ lực thực hiện”. Ca sĩ PHẠM THỊ THANH XUÂN |
Năm 2011, ca sĩ Thanh Xuân tham gia cuộc thi Giọng ca vàng của Đài Tiếng nói TP. Hồ Chí Minh mở rộng. Đây là lần đầu tiên chị quyết định thử sức mình ở những sân chơi lớn với nhiều nghệ sĩ có tên tuổi khu vực phía Nam. Ở cuộc thi này, chị hát đơn ca bài Người lái đò trên sông Pô Kô và đã đoạt giải nhì. Chính bước đệm đó là động lực lớn giúp chị tiếp tục phấn đấu để đoạt huy chương vàng tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2012. Nhớ lại tâm trạng lúc đoạt giải, ca sĩ Thanh Xuân xúc động nói: Tôi tham gia tiết mục đơn ca bài Người là niềm tin tất thắng, được dàn dựng khá công phu với sự hỗ trợ của tốp bè. Và khi biết mình đoạt giải cao, tôi chỉ biết khóc, khóc rất nhiều vì hạnh phúc.
Tiếp đó, năm 2016, ca sĩ Thanh Xuân tham gia liên hoan nghệ thuật ca múa nhạc 5 nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) tại Quảng Trị. Tại liên hoan này, phần thi đơn ca của chị đoạt huy chương vàng với ca khúc Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên. Mặc dù có thể hát đa dạng thể loại âm nhạc nhưng ca sĩ Thanh Xuân xác định thế mạnh của mình là dòng nhạc cách mạng. Vì vậy, khi hát những ca khúc về cách mạng, ca sĩ Thanh Xuân biểu diễn rất tự tin, phong cách chuyên nghiệp và cảm thấy “đó là mình” nhất.
Nguồn https://baobinhphuoc.com.vn/Content/vingroup-tai-tro-them-100-ty-dong-phong-chong-dich-benh-covid-19-461016