Bóng đá không chỉ là thể thao
- Thứ hai - 30/11/2015 14:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
“Bù Gia Phúc 2 là thôn nghèo, đồng bào S’tiêng chiếm trên 30% số dân. Công việc chính của họ là dọn vườn tiêu, trút mủ cao su, chăn bò, làm rẫy... Trước đây, vì không có sân chơi lành mạnh nên người dân thường tụ tập nhậu nhẹt, đánh đề, bài bạc... và coi đây là cách giải khuây. Nhiều người vì thua bạc còn đi trộm cắp, thậm chí cướp giật tại các tuyến đường và cũng không ít gia đình tan vỡ vì chơi đề. Tình trạng nêu trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân mà còn khiến chính quyền xã đau đầu giải quyết hậu quả. Do đó, việc ra đời sân bóng trên quỹ đất 2.400m2 và phát triển bóng đá phong trào tại địa bàn là giải pháp hiệu quả của ban điều hành thôn. Từ ngày có sân bóng, các tệ nạn xã hội giảm hẳn” - ông Điểu Nhơn, Trưởng thôn cho biết.
Thanh niên của thôn Bù Gia Phúc 2 đang hăng say chơi bóng
Trực tiếp có mặt tại sân bóng, chúng tôi bị thu hút bởi bầu không khí sôi động với những pha tranh bóng quyết liệt trên sân. Bên ngoài có rất đông người reo hò, cổ vũ, tạo sự phấn khích cho cầu thủ thi đấu. Các cầu thủ chơi bóng ở đây hầu hết là người lao động, họ tìm đến bóng đá như một cách giải trí sau những giờ làm việc vất vả. Anh Điểu Lô, khán giả cho biết: Khoảng 17 giờ hằng ngày, chúng tôi đều đến đây chơi bóng. Bóng đá làm cho mọi người vui vẻ hơn, những mệt nhọc, vất vả sau ngày dài như biến mất. Khác với chơi đề hay đi nhậu, đá bóng không mất tiền nên hầu hết thanh niên trong thôn đều ra đây chơi bóng.
Ông Điểu Nhơn chia sẻ: “Bóng đá là môn thể thao tập thể, đòi hỏi người chơi đoàn kết và phát huy lợi thế của mỗi cá nhân. Từ ngày có sân bóng, rất nhiều người ở thôn Bù Gia Phúc 1, Bù Gia Phúc 3 cũng tới đây chơi bóng. Vì tình yêu từ môn thể thao này mà chúng tôi đã gặp và thân thiết với nhau hơn”.
Hiện thôn đã thành lập đội bóng để giao lưu với các xã lân cận và tham gia thi đấu giải do huyện, ngành chức năng tổ chức. 3 năm liên tiếp đội bóng đá thôn Bù Gia Phúc 2 đã đoạt giải vô địch giải bóng đá xã Phú Nghĩa. Năm trước, đội bóng còn đi giao lưu tại tỉnh Đắk Nông. Sau mỗi lần tranh tài, cầu thủ không chỉ tích lũy kinh nghiệm thi đấu mà còn là cơ hội giao lưu văn hóa. Từ những lợi ích mà bóng đá phong trào ở thôn Bù Gia Phúc 2 đem lại, rất mong các xã cũng nên có chiến lược phát triển để môn thể thao này “phủ sóng” trên địa bàn toàn tỉnh.