Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Lễ ra mắt Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Phước

Ra mắt Đội Truyên truyền lưu động

Ra mắt Đội Truyên truyền lưu động

Vào lúc 8h00 ngày 06/3/2013, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Lễ ra mắt Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Phước, về dự có ông Nguyễn Tấn Hưng - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, ông Chu Văn Phong - Trưởng phòng TTCB Sở, Ban Giám đốc và toàn thể CBVC Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Đội Tuyên truyền Lưu động ngày nay chính là tiền thân của Đội "Tuyên truyền xung phong" thời kháng chiến chống Mỹ - là một loại hình hoạt động hữu hiệu với 3 phương thức: Tuyên truyền miệng, cổ động trực quan (triển lãm nhỏ) và văn nghệ cổ động. Trước sự phát triển của xã hội thì vai trò của Đội Tuyên truyền Lưu động (TTLĐ) lại càng quan trọng hơn khi thực hiện chức năng tuyên truyền kịp thời những chủ trương, đường lối chính sách, phát luật của Đảng và Nhà nước một cách sinh động đến với quần chúng nhân dân một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm… Nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, hòa chung với sự phát triển của đất nước.

Đội TTLĐ được quyết định thành lập vào tháng 09/2009 nhưng do điều kiện thiếu nhân sự, kinh phí và phương tiện hoạt động nên không thể tách riêng thành đội mà do phòng Văn hóa văn nghệ - Trung tâm Văn hóa tỉnh đảm nhiệm việc biểu diễn lưu động phục vụ nhân dân (bình quân 60 buổi/năm). Trước tình hình đó, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp (cụ thể là Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND ngày 08/11/2012 của UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quy định mức chi đối với hoạt động của Đội TTLĐ cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Thông tư Liên tịch số 191/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 21/12/20122 của liên Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn chế độ quản lý đặc thù đối với Đội TTLĐ cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã).

Từ cơ sở những văn quản quy định, Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh đã họp bàn và thống nhất thành lập đội, điều động nhân viên và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo Đội. Hiện đội TTLĐ đã ra mắt và chính thức đi vào hoạt động, đội gồm có 10 thành viên do Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ kiêm Đội trưởng, 02 cán bộ có được phân công phụ trách đội và phụ trách chuyên môn, 07 nhân viên còn lại thuộc các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ. Về mô hình, tổ chức hiện nay, Đội TTLĐ sắp xếp, quản lý bộ máy nhân sự theo phương thức gọn nhẹ và Đội trưởng xây dựng nội dung, kế hoạch liên quan đến hoạt động của Đội. Kinh phí hoạt động của Đội được chi từ nguồn kinh phí hoạt động sự nghiệp của đơn vị. Chế độ được áp dụng đối với những người đang hưởng lương theo ngân sách nhà nước là chỉ cấp phụ cấp tập luyện, biểu diễn và hoạt động ngoài giờ. Đối với những người không hưởng lương nhà nước (cộng tác viên) thì Đội phải hợp đồng và thoả thuận chi trả theo thời vụ, và theo chương trình.

Nhiệm vụ của đội trước mắt rất nặng nề, theo quyết định giao chỉ tiêu của UBND tỉnh, năm 2013 Đội phải xây dựng và tổ chức biểu diễn tối thiểu được 04 chương trình mới và số buổi biểu diễn 100 buổi/năm; đây là nhiệm vụ mà đội TTLĐ tỉnh phải cố phấn đấu hết mình trước thực trạng khó khăn về kinh phí, phương tiện, nhân sự. Do đó Đội phải thực hiện phương châm “Làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó” cùng với sự quyết tâm, nhiệt tình của các thành viên trong Đội và tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của lãnh đạo để hoạt động của Đội đi vào nề nếp, thực hiện nhiệm vụ thường xuyên với khối lượng công việc lớn đáng kể.

Trong thời gian tới, để nâng cao về mặt tổ chức và hoạt động của đội thì cần phải thực hiện tốt các bước như sau:

- Phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền. Nội dung phải sát với thực tiễn cuộc sống và quan trọng là kịp thời đối với chủ trương, đường lối của Đảng. Hình thức phải đa dạng, phong phú và sử dụng nhiều loại hình tuyên truyền để tránh gây nhàm chán cho công chúng.

- Trọng dụng những người có năng khiếu để tham gia vào việc tham gia viết kịch bản, dàn dựng chương trình và biểu diễn.

- Khi lưu diễn, phối hợp với địa phương tham gia một vài tiết mục vào chương trình của Đội, vừa nhằm thu hút quần chúng đến xem, vừa kích thích phát triển phong trào ở địa phương.

- Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, hoạt động xã hội hóa của Đội TTLĐ hoạt động như một công ty tổ chức biểu diễn, được nhận hợp đồng tổ chức biểu diễn cho các địa phương, đơn vị, tổ chức bên ngoài để nâng cao thu nhập cho anh chị em trong Đội. Điều này giúp anh chị em phấn khởi và nhiệt tình hơn với Đội.

- Để không bị động về lực lượng diễn viên, hàng năm cần tổ chức bồi dưỡng năng khiếu miễn phí cho hạt nhân phong trào ở địa phương. Vì các hạt nhân này trở thành lực lượng dự bị, có thể được bổ sung vào Đội TTLĐ khi cần.

Hoạt động của Đội TTLĐ trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy phát triển phong trào văn hoá văn nghệ quần chúng, xây dựng đời sống văn hoá tinh thần ngày càng phong phú, lành mạnh; thực hiện tốt công tác cổ vũ, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân cùng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tác giả bài viết: Nguyễn Lai