Triển Lãm chuyên đề ảnh: "Hoàng sa - Trường sa - Biển đảo Việt Nam"
- Thứ tư - 07/09/2011 13:59
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào “Năm thanh niên 2011” do Trung ương Đoàn phát động và kỷ niệm 66 năm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 (1945 - 2011) do Bảo tàng tỉnh Bình Phước phối hợp cùng Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh đoàn Bình Phước thực hiện.
Triển lãm gồm 03 nội dung: Hoàng Sa và Trường Sa qua tư liệu, bản đồ; Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam; Hoàng Sa - Trường Sa - hôm nay và mai sau.
Với gần 100 hình ảnh, tư liệu, triển lãm đã giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh những cứ liệu lịch sử, địa lý liên quan đến 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó nhằm tuyên truyền tinh thần yêu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời giới thiệu những hình ảnh về sự quan tâm của cả nước với biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc phạm vi lãnh thổ Việt Nam từ thời phong kiến mà các cứ liệu lịch sử đã chứng minh: Triều Nguyễn vua Minh Mạng ban thưởng cho đoàn đo đạc Hoàng Sa của Thủy sứ Suất đội Phạm Văn Biện; Văn khao lề thế lính Hoàng Sa năm Tự Đức thứ 20 (1867)… hoặc trong Phủ biên tạp lục, bản dịch của Hoàng Lộc, NXB Khoa học Xã hội 1964, Lê Qúy Đôn viết: Ngày trước, họ Nguyễn thiết lập 1 đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh bổ sung vào, mỗi năm họ luân phiên đi biển. Tháng Giêng ra đi nhận lãnh chỉ thị làm sai dịch. Đội Hoàng Sa nay được cấp phát mỗi người 6 tháng lương. họ chèo 5 chiếc thuyền câu nhỏ ra ngoài biển 3 ngày 3 đêm mới đến đảo (Hoàng Sa)… đến tháng 3 đội Hoàng Sa ấy mới về cửa Eo rồi tới Phú Xuân trình nạp các vật đã lượm được…
Tháng 8/2011 phát hiện thêm một bài văn tế lính Hoàng Sa - Trường Sa ở ngay trong đất liền, tại thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Bài văn tế này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khẳng định rằng không chỉ ở đất đảo Lý Sơn mới tổ chức các nghi lễ về khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa mà ngay ở trong đất liền (các vùng ven biển) của tỉnh Quảng Ngãi cũng từng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa.
Thời kỳ Pháp thống trị Việt Nam còn lưu giữ nhiều bức ảnh như: Cơ sở hành chính quần đảo Hoàng Sa. Giai đoạn 1954 - 1975, chính quyền Sài Gòn dựng Bia chủ quyền trên đảo Nam Yết
Mùa xuân năm 1975 trong cuộc Tổng tấn công giải phóng miền Nam, từ đầu thàng 4, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo một bộ phận lực lượng hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo ở Trường Sa (đảo Song Tử Tây được giải phóng đầu tiên vào ngày 14/4/1975, đảo Trường Sa ngày 29/4/1975).
Giữa biển cả mênh mông sóng dữ, đời sống của các CB - CS vô cùng khó khăn gian khổ. Có lúc thức ăn chỉ là rau muống phơi khô và đồ hộp, nước ngọt đem từ đất liền ra bị nhiễm mặn, các chiến sỹ đã phải dùng cả áo để lọc nước nấu cơm, chuyền tay nhau từng ngụm nước ngọt, từng cọng rau muống khô....Khó khăn gian khổ là vậy nhưng thực hiện khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” các chiến sĩ hải quân tích cực tập luyện, nêu cao tinh thần cảnh giác, vượt qua khó khăn gian khổ thiếu thốn để ổn định cuộc sống, đồng thời sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống.
Trong mọi hoàn cảnh, Trường Sa luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể nhân dân cả nước luôn hướng về biển đảo với những món quà đầy ý nghĩa: Những lẵng hoa của Bác Tôn Đức Thắng đã gửi tặng cán bộ chiến sĩ Trường Sa ; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng Bí thư Đỗ Mười, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Đại tướng Lê Đức Anh, Thượng tướng Lê Khả Phiêu… và các đoàn đại biểu Quốc hội… đã đến thăm hỏi, động viên và trao gửi nhiệm vụ cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa.
Để đáp ứng y/c bảo vệ chủ quyền Biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta đã xd được nhiều nhà dàn ở các cụm Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau... mỗi nhà giàn là một pháo đài vững chắc. Ở đó, những chiến sỹ Hải quân ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa bão tố, trằn mình trong nắng lửa mưa rào huấn luyện canh biển, chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng cọng rau xanh, bám trụ kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió, quyết tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển.
Trong tháng 8/2009 Thành Đoàn và các tổ chức khoa học kỹ thuật đã thực hiện chương trình “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1”.
Hiện nay phong trào “Góp đá xây Trường Sa” đang được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước... Với sự chung tay góp sức này, hy vọng trong tương lai đảo Trường Sa ngày càng ổn định và phát triển… Triển lãm sẽ kết thúc ngày 13/9/2011.