Quan tâm phát triển phong trào thể dục thể thao quần chúng
- Thứ sáu - 04/11/2016 14:20
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Các đội bóng đang thi đấu tại giải bóng chuyền truyền thống xã Long Hà
Thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Phước về ngày 07/6/2012 của Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự phối hợp của các tầng lớp nhân dân, các phong trào, hoạt động TDTT đã có sự phát triển sâu rộng. Các đơn vị, địa phương từ huyện đến cơ sở đã triển khai, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao của người dân. Hàng năm, cấp huyện tổ chức nhiều giải thể thao phong trào như: bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng... thu hút đông đảo vận động viên ở các địa phương và các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện tham gia. Bên cạnh đó, các xã thường xuyên tổ chức các giải thể thao nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng, qua đó đã phát động mạnh mẽ phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng nhân dân. Năm 2016, cấp huyện tổ chức thành công liên hoan văn nghệ quần chúng; giải cờ tướng, billiard; đặc biệt là tổ chức các giải thể dục thể thao chào mừng kỷ niệm 01 năm thành lập huyện Phú Riềng...
Để nâng caochất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ công tác trong lĩnh vực thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn luôn được chú trọng. Hàng năm, huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cho khoảng 90 cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Song song đó, tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như mở các lớp tập huấn, các hội thi, hội diễn, tuyên truyền trên pano, khẩu hiệu... để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động thể dục thể thao đối với đời sống.
Công tác xã hội hóa trong các hoạt động TDTT, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện được các cấp, các ngành quan tâm huy động được nguồn lực của các tổ chức, doanh nghiệp cá nhân tham gia tài trợ, hỗ trợ. Trung bình mỗi năm, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đóng góp cho hoạt động thể dục thể thao hàng trăm triệu đồng. Một số đơn vị, địa phương đã vận dụng các không gian ở trong các cơ quan để làm sân tập cầu lông, bóng chuyền, bóng đá... nhắm đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT trong cán bộ, viên chức và người lao động.
Nhờ chủ động, bám sát tình hình thực tế của địa phương qua đó xác định đúng lĩnh vực là thế mạnh của địa phương như:Điền kinh, võ thuật cổ truyền, cờ tướng, bóng đá, bóng chuyền… để đầu tư phát triển, bên cạnh đó chú trọng phát triển một số môn thể thao mới như: bóng đá mini, cầu lông, bida... từ đó phong trào văn hóa, thể dục thể thao tại Phú Riềng đã có những khởi sắc. Hoạt động thể dục thể thao trong các trường học phát triển sâu rộng từ các cấp học, bậc học. Theo thống kê, hiện toàn ngành giáo dục của huyện có trên 90% cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; 96% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS; 100% các trường THPT, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Hoạt động TDTT quần chúng trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác hồ vĩ đại" tiếp tục được đẩy mạnh trong trường học, lực lượng vũ trang, thanh niên, công nhân, viên chức, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi... Đến nay, số người thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao trên địa bàn là 28%, số gia đình thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao là 22%; 98% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe; 100% công đoàn viên thuộc các cơ quan đơn vị đạt sức khỏe tốt. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động TDTTđược quan tâm đầu tư, hiện trên địa bàn huyện có 45 sân bóng đá (37 sân mini), 110 sân bóng chuyền, 48 sân cầu lông - đá cầu; 03 sân tennis và 44 câu lạc bộ thể thao trên các lĩnh vực thể dục thẩm mỹ, dưỡng sinh, cờ tướng, võ thuật… Các xã trên địa bàn đa số đều có không gian để sinh hoạt văn hóa, có sân bóng đá, bóng chuyền phục vụ nhu cầu của nhân dân.
Các đội bóng đang thi đấu tại giải bóng chuyền truyền thống xã Long Hà
Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng tình, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, phong trào TDTT trên địa bàn huyện đã có những bước phát triển khá sâu rộng, không chỉ ở khu vực trung tâm huyện mà còn phát triển tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối tượng tham gia phong trào văn hóa, thể dục, thể thao ngày càng nhiều; nội dung hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng tiếp tục phát triển với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.