Hương ước góp phần xây dựng nếp sống văn hóa

Hương ước góp phần xây dựng nếp sống văn hóa
Ngày 28-7, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm (2000-2014) công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong chủ trì hội nghị. 10 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thực hiện hương ước đã được tuyên dương, khen thưởng.

 


Thực hiện hương ước thôn, người dân khu dân cư Phước Thọ, xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng duy trì nhiều nét đẹp văn hóa của dân tộc

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢCTheo đánh giá của Sở Tư pháp, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19-6-1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, đến nay, toàn tỉnh có 842/861 thôn, ấp, cụm dân cư xây dựng hương ước, quy ước và triển khai thực hiện. Các hương ước, quy ước được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu và niêm yết công khai tại trụ sở nhà văn hóa các thôn ấp để nhân dân biết và thực hiện. Hằng năm, các thôn, ấp, khu dân cư lấy ý kiến góp ý của nhân dân để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn, thời điểm khác nhau. Theo đó, sau 15 năm có 445/842 hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới.

Qua triển khai thực hiện, ở nhiều khu dân cư nhân dân đã tự giác xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phục hồi, phát huy nhiều lễ hội văn hóa đặc trưng của dân tộc. Tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư ngày càng thắt chặt. Môi trường cảnh quan ở các khu dân cư được cải thiện. Công tác khuyến học - khuyến tài được nhân dân quan tâm, thực hiện. Nhiều mô hình, tổ hòa giải, an ninh tự quản được thành lập, hoạt động hiệu quả... góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội trên địa bàn.

Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước đang trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Nhiều mô hình hay thể hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư được các thôn ấp, xã, phường nhân rộng thực hiện. Điển hình như mô hình không chơi nhạc sống vào buổi tối trong đám cưới của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Quan (Hớn Quản). Mô hình thu gom rác thải sinh hoạt của các xã Tân Khai, Tân Hiệp, Đồng Nơ, Thanh Bình, Thanh An (Hớn Quản) và một số xã, phường ở thị xã Đồng Xoài; phong trào hiến đất, cây trồng làm đường giao thông nông thôn...

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của các thôn, ấp, cụm dân cư thời gian qua còn một số hạn chế. Chất lượng xây dựng và thực hiện hương ước ở các khu dân cư chưa đồng đều, có nơi làm chưa nghiêm túc, hiệu quả thực hiện chưa cao. Nhiều nội dung của hương ước chưa sát với thực tế, quy định chưa rõ ràng, các quy định về việc tang, cưới, lễ, hội, nếp sống văn minh chưa phù hợp với các quy định của pháp luật. Hương ước của một số khu dân cư, thôn, ấp còn mang tính hình thức, sao chép, nội dung sơ sài, thiếu cụ thể. Một số thói quen sinh hoạt lạc hậu của người dân vẫn chưa được xóa bỏ như chăn thả gia súc trong khu dân cư; chuồng trại chăn nuôi, nhà vệ sinh còn bố trí gần nơi ở; tục thách cưới trong đồng bào Xêtiêng vẫn còn và tư tưởng trọng nam khinh nữ chưa được loại bỏ triệt để...

Đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, để hương ước, quy ước có sức sống, phát huy hiệu quả lâu dài, ngay từ khâu soạn thảo phải chú ý những đặc điểm riêng biệt của khu dân cư để xây dựng cho phù hợp. Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và đánh giá, khen thưởng kịp thời những đơn vị làm tốt. Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng, phải làm tốt công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực xây dựng nhà văn hóa, nhà tang lễ, trang bị xe tang để thực hiện tốt việc cưới, việc tang, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Không bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa nếu vi phạm hương ước, quy ước.

Phó chủ tịch Nguyễn Huy Phong đề nghị: UBND các huyện, thị xã rà soát lại các hương ước, quy ước đang hiện hành để biết cái nào còn phù hợp, cái nào cần bổ sung, sửa đổi. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng hương ước, quy ước. Từ đó, có định hướng xác đáng, làm nền tảng cho vận động thực hiện xây dựng thôn, ấp, khu dân cư văn hóa và gia đình văn hóa. Hương ước, quy ước là do nhân dân tự xây dựng và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, nội dung phải được thảo luận và nghiên cứu sát với thực tế, phù hợp với phong tục, tập quán... có sự giám sát của chính quyền cơ sở, đảm bảo công bằng, công khai, phù hợp với luật pháp.

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước