Thác Đứng: món quà thiên nhiên ban tặng quê hương Bình Phước

Thác Đứng: món quà thiên nhiên ban tặng quê hương Bình Phước
Nằm giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cây và nương rẫy thuộc 2 xã Đoàn Kết và Minh Hưng, huyện Bù Đăng. Thác Đứng do suối Đak Quotte tạo thành, suối Đak Quotte bắt nguồn từ thôn 3, xã Đắk Ru, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông chảy qua khu vực xã Thọ Sơn và thị trấn Đức Phong sau đó chảy đến địa phận giáp ranh xã Đoàn Kết và xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng) tạo thành Thác Đứng.

Thác Đứng là kết quả của quá trình kiến tạo tự nhiên lâu dài, cách nay hàng triệu năm về trước. Thác nước được đồng bào S’tiêng bản địa gọi là N’Hai Lien Por, theo tiếng S’tiêng thì N’Hai có nghĩa là chiều cao, “Lien” có nghĩa là đá và “Por” có nghĩa là máng nước. N’Hai Lien Por có thể hiểu là máng nước chảy từ ghềnh đá ở trên cao xuống. Từ năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách di dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào các tỉnh thành miền Đông Nam Bộ, trong đó có huyện Bù Đăng. Trong quá trình canh tác, sinh sống ở Bù Đăng, họ đã phát hiện ra một thác nước với nhiều cột đá lớn kết cấu thành vách tự nhiên rất đẹp nên gọi là Thác Đứng.

Thác Đứng có chiều cao khoảng 6m, lòng thác rộng khoảng 15m. Với độ cao tương đối nhưng dòng nước vẫn cuồn cuộn tung bọt trắng xóa đổ xuống lòng thác, tiếng nước đổ ầm ầm vang cả một một khoảng trời tạo nên vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa hoang sơ. Vào mùa mưa, thác có lượng nước dồi dào, nước mang màu vàng đặc trưng của vùng đất đỏ bazan đầy ấn tượng. Vào mùa khô, lượng nước có giảm hơn so với mùa mưa; lúc này, thác nước trở nên trong xanh, bình yên và thơ mộng làm cho con người ta quên đi mọi vất vả, lo toan giữa đời thường khi có dịp đến đây vui chơi thưởng ngoạn. Điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp của Thác chính là những cột đá lớn ở phía hạ nguồn; các cột đá tụ lại thành vách, có hình rất đặc biệt, nhìn giống hình những bông hoa hoặc những chiếc mai rùa. Phía đầu Thác có nhiều phiến đá bằng phẳng, láng mịn ở giữa những phiến đá có các hố tròn có đường kính khoảng 10 - 15cm láng mịn, hình thù giống những chiếc cối đá đầy bí ẩn.  Ở hai bên tả ngạn và hữu ngạn phía hạ nguồn có những tảng đá với dạng hình lục lăng, hình hộp chữ nhật dựng đứng và nối ghép với nhau tự nhiên như thể có bàn tay người chế tác, sắp đặt.

Thác nước còn là nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của đồng bào S’tiêng: Vùng đất xung quanh khu vực Thác Đứng là sóc của người S’tiêng sinh sống. Trước đây, người S’tiêng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa, ngô, khoai, sắn… và săn bắt, hái, lượm trong rừng. Họ luôn có tinh thần cộng đồng cao, tương thân tương ái trong lao động sản xuất, trong các sinh hoạt đời thường, khi có niềm vui họ cùng nhau san sẻ.

Hằng năm, sau khi thu hoạch mùa, tại địa thế bằng phẳng xung quanh khu vực Thác Đứng, người S’tiêng tổ chức các lễ hội như: Lễ “Quay đầu trâu”, Mừng lúa mới... ngoài điểm sinh hoạt vui chơi còn là điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh; nơi giao thoa, thông linh giữa trời đất và con người; nơi gặp gỡ và ươm mầm cho tình yêu, tình người...

Thác Đứng là một trong những thác nước hiếm ở Bình Phước được thiên nhiên ưu đãi để có được những nét đẹp tự nhiên, sự kết cấu về địa chất, địa mạo riêng biệt và ấn tượng, khơi gợi sự khám phá của những ai đã từng một lần đặt chân đến đây.

Thác Đứng ngoài ý nghĩa là một thắng cảnh đẹp, những giá trị địa chất, địa mạo do sự kiến tạo của tự nhiên còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người S’tiêng ở Bù Đăng. Từ những giá trị trên, ngày 25/11/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ký Quyết định số 2222/QĐ-UBND xếp hạng Thác Đứng là di tích danh thắng cấp tỉnh. Đây là di tích danh thắng đầu tiên ở Bình Phước được xếp hạng, việc tổ chức đón nhận Quyết định xếp hạng di tích danh thắng Thác Đứng sẽ được tổ chức vào ngày 20/03/2014 tại khu vực Thác Đứng thuộc xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Một số hình ảnh về thác đứng

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Diên - BQLDT