Đừng để du khách không bao giờ trở lại
- Thứ năm - 13/09/2018 08:45
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tại các điểm phục vụ bán hàng cho khách du lịch đều có những “chiêu thức”, nhằm thúc đẩy chi tiêu của du khách khi đến tham quan, đặc biệt là ở các nước khu vực châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... Tại những điểm tham quan ở các nước này, phần lớn người bán hàng đều có kỹ năng giỏi tới mức đạt “đỉnh”. Bởi với họ, ngay từ lần gặp mặt đầu tiên, khách hàng đã “móc bóp” ra trả tiền mua sản phẩm. Thế nhưng, đó là chuyện ở nước ngoài, còn ở trong nước thì sao? Câu trả lời chắc chắn ai cũng biết, đó là các điểm du lịch đều “bóc ngắn nhưng cắn dài” hay “mài dao sẵn”... Bài viết trải nghiệm từ thực tế sau đây không ngoài mục đích mong các điểm du lịch trong nước, đừng để du khách đến rồi không bao giờ trở lại...
TỪ DU LỊCH TRONG NƯỚC...
Năm trước, cơ quan tự tổ chức đi tham quan Đà Nẵng vì cung đường không quá xa và mọi người cũng muốn được trải nghiệm, tự do dừng ở bất cứ nơi nào trên đường đi. Hơn nữa, Đà Nẵng - Hội An là nơi rất ít tai tiếng về cách hành xử “chặt, chém” với khách du lịch nên chúng tôi khá yên tâm. Đến Đà Nẵng, nhiều chị muốn thử món bánh tráng cuốn thịt heo hai da nổi tiếng. Sau một buổi đi bộ ngắm phố cổ Hội An, chúng tôi ghé quán Bánh tráng thịt heo Trần đã đặt trước 2 bàn qua điện thoại. Lúc này, ai cũng khát nước nên việc đầu tiên ngồi vào bàn là gọi nước uống. Bàn bên đặt nước uống xong, đến bàn chúng tôi, hỏi 1 chai nước tinh khiết giá 15 ngàn đồng nên mọi người gọi trà đá. Nhân viên phục vụ lễ phép: “Dạ không có trà đá, chỉ có trà gừng”. Sau câu trả lời này, ai cũng nghĩ trà gừng miễn phí như trà đá hoặc nếu có tính tiền cũng không đáng là bao nên mọi người đều gọi trà gừng. Khi người phục vụ vừa dợm bước để đi, vốn có tâm lý đề phòng nên tôi hỏi thêm: “Trà gừng có tính tiền không?” - “Dạ 37 ngàn đồng 1 ly”. Tôi giật mình ngó qua bàn bên, đã có 9 ly trà gừng trên bàn. Trà gừng đựng trong những ly nhựa mà người bán nước mía bên lề đường hay dùng, còn nước trong ly thì có màu đục lờ lờ cùng vài ba lát gừng bằng cọng hành lá. Lỡ rồi nên để mọi người vui vẻ ăn uống. Sau khi thanh toán tiền, hóa đơn chuyền tay cho mọi người xem. Ai đó thốt lên: “Lúc uống chẳng thấy mùi vị gừng đâu nhưng giờ thì thực sự thấm vị cay và nóng của gừng rồi!”.
Chủ cơ sở City Jewelry (Xiêm Riệp, Campuchia) chiếu sáng sản phẩm trang sức, giới thiệu cho khách hàng cách phân biệt hàng giả (ảnh minh họa) - Ảnh: K.B
Không gian của quán Bánh tráng thịt heo Trần rất lớn, diện tích của một tầng hơn 200m2 nhưng đoàn chúng tôi chỉ có 2 bàn lại được đặc biệt ngồi riêng trên tầng 1. Ăn xong, chúng tôi đi xuống ra về, ngay tầng trệt, khách tấp nập rất đông và hầu hết các bàn đều có trà đá uống. Lẩn thẩn nghĩ, người Việt mình đã đau thương dưới thời “chia để trị” của thực dân Pháp, không lẽ đây cũng là cách “chia để móc túi khách” của quán!
...ĐẾN ĐI TOUR NƯỚC NGOÀI
Ngoài các địa danh lịch sử, văn hóa sẽ tham quan khi đi du lịch nước ngoài, tất cả đều có điểm chung mà các công ty du lịch tổ chức là sẽ ghé tham quan, mua sắm tại vài địa chỉ định sẵn. Đi Bắc Kinh (Trung Quốc), các điểm đến sẽ là xưởng chế tác ngọc, tìm hiểu về tỳ hưu, Thái y viện Đồng Nhân Đường, cửa hàng trà...; ở Thái Lan sẽ là trại rắn hoàng gia, trung tâm đá quý và trang sức hoàng gia, trung tâm đồ da... Campuchia (Xiêm Riệp - Phnôm Pênh) sẽ là City Jewelry... Nếu ai đã đi rồi thì chắc nhận biết rõ cảm giác khi vào những điểm tham quan trung tâm đá quý là như thế nào. Và riêng tôi khi tham quan các điểm bán và giới thiệu sản phẩm đá quý đều thấy mọi người thốt lên - Pro! (quá chuyên nghiệp).
Tại xưởng chế tác ngọc ở Bắc Kinh, sau khi nghe nhân viên tên Thiếu Trung kể bằng tiếng Việt câu chuyện về con tỳ hưu, mọi người lần lượt sờ tỳ hưu được trưng bày tại sảnh, lớn cỡ bằng con heo 80kg từ chân qua bụng đến đầu để cầu may. Trung tiếp tục đưa khách sang một căn phòng có bộ bàn ghế khá lớn đủ cho gần 30 người ngồi xung quanh bàn. Trên bàn là các khay đựng đủ loại tỳ hưu to nhỏ. Trung cầm từng mẫu vật lên giới thiệu: Chỉ ở đây mới có các loại tỳ hưu thứ thiệt. Đang nói thì, thoáng thấy người phụ nữ ở gian hàng bên cạnh, Thiếu Trung hạ giọng với chúng tôi: “Giám đốc tới kiểm tra. Em là nhân viên thử việc nên khi giám đốc lại đây, mong cô, chú, anh, chị nói tốt cho để em được ký hợp đồng làm việc”. Sau đó, Thiếu Trung vừa cao giọng kêu “Sú Lìng, Sú Lìng” vừa vẫy tay người phụ nữ đó lại và nói gì đó bằng tiếng Trung Quốc. Lập tức, mọi người vỗ tay rào rào, khen ngợi Thiếu Trung nói tốt, nhiệt tình, chu đáo với khách tham quan.
Người phụ nữ mà Thiếu Trung giới thiệu chừng hơn 30 tuổi, nói tiếng Việt với âm điệu lơ lớ và tự giới thiệu tên là Lìng, con gái của ông chủ, người Hồng Kông, gia đình có rất nhiều chi nhánh, trung tâm chính tại Hồng Kông. Mặt hàng chủ lực ở cửa hàng tại đây là ngọc phỉ thúy, nguồn thu là từ những khách hàng lớn, còn các đoàn tham quan như chúng tôi, chị chỉ mong mọi người giới thiệu thêm cho bạn bè, người thân về các sản phẩm đá quý ở đây. Chị nói đang bận tiếp nhóm khách hàng lớn nên không thể đưa đoàn chúng tôi đi tham quan được, để Thiếu Trung tiếp tục công việc của mình. Nói vậy nhưng chị Lìng vẫn đưa đoàn vào một căn phòng trên tầng lầu trưng bày các sản phẩm phỉ thúy. Trong quá trình dẫn chúng tôi đi, chị Lìng không lý luận quá nhiều về sản phẩm trưng bày mà chị nói như lên đồng những thông tin về phong thủy, về tướng mạo của từng khách trong đoàn. Chuyện chị Lìng nói khiến du khách mắt sáng lên, lấy sổ tay ghi tên loại con vật hợp với tuổi mình, chồng con mình... Đến lúc này, chị Lìng tiếp tục tung chiêu vắng mặt chút xíu để chốt với khách đang lựa sản phẩm trong phòng VIP. 2 phút sau chị quay lại và hồ hởi khoe đã bán được 3 tỷ ngọc phỉ thúy cho nhóm khách VIP đó. Chị tỏ rõ sự hoan hỉ vì kiếm được món hời sau cuộc mua bán vừa rồi nên quyết định tất cả sản phẩm khách đang xem sẽ bán với giá hữu nghị. Bán 6.800 tệ cho chiếc vòng tay phỉ thúy đang niêm yết giá 38.000 tệ. Mặt dây chuyền phỉ thúy là miếng đá màu xanh đen có nạm những con vật trong 12 con giáp bằng kim loại màu vàng giá niêm yết 5.400 tệ, bán 1.000 tệ. Mọi người như bị mộng du, bước chân nhẹ nhàng, không dám nói cười, cứ ngoan ngoãn móc thẻ Visa quẹt rào rào mua ngọc phỉ thúy.
Theo lời hứa của chị Lìng, để bảo mật thân phận cho khách VIP nói trên ra về, chị sẽ cho chúng tôi tham quan phòng VIP. Không mua ngọc phỉ thúy, chỉ có tôi và một người bạn đi vào phòng VIP tham quan. Căn phòng này được bảo vệ bằng kính chống đạn, cửa ra vào luôn đóng kín và mở bằng mật mã chỉ mình chị Lìng biết. Trong phòng, dù chỉ là một mặt dây chuyền ngọc hay một chuỗi hạt đều được trưng bày riêng trong tủ kính chống đạn và mỗi tủ đều có ly nước. Đem điều này hỏi chị Lìng chúng tôi được biết, ngọc phỉ thúy sáng bóng khi được hút nước. Khi đeo, sẽ hút hơi nước từ người, khi trưng bày không có hơi nước thì độ sáng bóng sẽ kém đi. Nếu là vậy thì sao ngọc phỉ thúy ở phòng mà đoàn chúng tôi đang mua có món giá niêm yết tới 54.000 tệ (gần 190 triệu đồng) lại không có ly nước trong tủ trưng bày?!
Rời khỏi xưởng chế tác ngọc, ai cũng hồ hởi vì mua được món hàng hợp mệnh mà lại rẻ bất ngờ. Còn tôi lại nghĩ, không lẽ mình “hiểu sai” về nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Nho giáo nơi này khi mà một nhân viên thử việc như Thiếu Trung có thể ngoắc tay gọi bà chủ một cách thiếu tôn nghiêm đến vậy?
Bà chủ City Jewelry ở Xiêm Riệp, Campuchia khoảng ngoài 50 tuổi, tự giới thiệu là người gốc Hoa, sinh tại Móng Cái (Quảng Ninh) đến năm lên 5 tuổi thì cả gia đình trở về quê hương. Sau này, bà lập nghiệp tại Campuchia. Tiếp đoàn chúng tôi, với giọng rưng rưng xúc động, bà thấy như được trở lại thuở ấu thơ, được gặp các anh, chị của mình. Vì thế bà tặng mỗi người trong đoàn một dây đeo cổ bằng sợi dù với mặt là con tỳ hưu mạ vàng, giá bà bán tại cửa hàng là 50 ngàn đồng. Qua màn nhận người thân là tới màn giới thiệu cách phân biệt đá đỏ. Bà chủ dùng đèn laze chiếu những sản phẩm dây chuyền, nhẫn có gắn đá màu đỏ tại cửa hàng lên tường phát ra những tia sáng màu đỏ lung linh. Vừa chiếu đèn bà vừa nói như thôi miên về sản phẩm, chất lượng, nguồn gốc đá của cửa hàng. Bà nhiệt tình chỉ cho du khách cách phân biệt hàng thật, hàng giả. Bà đã tạo dựng được niềm tin. Không ít người móc bóp ra mua đồ trang sức. Người ít thì hơn 1 triệu đồng cho sợi dây chuyền. Có chị bạn làm văn thư, bình thường chắt bóp, tiết kiệm vậy mà lúc này không ngần ngại chi ra gần 7 triệu đồng cho bộ trang sức. Tuy nhiên, sau đó những sản phẩm này, đeo chưa được tháng đã xỉn màu và ngứa rát da do đồ trang sức tiếp xúc.
Trên đây chỉ là mấy ví dụ điển hình cho thấy “kỹ năng móc túi” diễn ra hằng ngày ở các điểm bán hàng trong lịch trình tham quan của các tour du lịch. Dù đã được khuyến cáo rằng phải cẩn thận nhưng vẫn không ít du khách “dính bẫy”. Ở trong nước thì khách du lịch bị “chặt chém” công khai, còn ở nước ngoài thì bị các “phù thủy” bán hàng sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau, đặc biệt biết nhắm vào tâm lý người mua hàng được giảm giá, khuyến mãi để kích thích nhu cầu mua sắm, buộc khách tự nguyện móc bóp. Mục đích cuối cùng của kinh doanh là lợi nhuận, tuy trong nước và nước ngoài có 2 phương thức hoàn toàn trái ngược, nhưng đều nhằm “móc túi” khách hàng. Thật đáng buồn!