Du xuân ở Bình Phước và những trải nghiệm thú vị
- Thứ năm - 22/02/2018 16:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Không có nhiều điểm du lịch nghỉ dưỡng, cũng không có những khu vui chơi sầm uất, hiện đại, du lịch Bình Phước hiện còn nhiều nét hoang sơ của núi rừng. Thế nhưng, vào xuân Bình Phước vẫn thu hút hàng ngàn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đơn giản bởi đến đây du khách vừa được khám phá nét hoang sơ của núi rừng lại trải nghiệm nhiều kiến thức thực tế. Giữa tiết trời se lạnh nhâm nhi một ly chè xanh rừng, thưởng thức món ăn của rừng và được nghe một dàn giao hưởng đặc biệt từ các loại chim sẽ là một khoảng không gian vô cùng đặc biệt của du khách khi đến Bình Phước vào mùa xuân.
Du xuân ở Bình Phước sẽ bớt thú vị khi bạn không đặt chân khám phá Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập (Bù Gia Mập), cắm trại tại trảng cỏ Bù Lạch (Bù Đăng) và hòa mình vào các ngọn thác xung quanh khu vực này.
ĐÊM HUYỀN DIỆU Ở RỪNG
Câu nói “Ăn tết ở rừng” bây giờ không chỉ dành riêng cho cán bộ, nhân viên kiểm lâm nữa. Đó là câu nói chung của những du khách đam mê trải nghiệm, thích khám phá tại VQG Bù Gia Mập. Cùng nhóm bạn trẻ đi khám phá tuyến đồi 702 – Đắk Ca – Trạm kiểm lâm số 2, tôi đã có 2 ngày 1 đêm trải nghiệm tuyệt vời tại đây.
Với sự hướng dẫn của anh Kiều Đình Tháp, Trưởng phòng Tuyên truyền giáo dục môi trường và du lịch sinh thái VQG Bù Gia Mập, chúng tôi nhanh chóng lên đường. Từ trụ sở VQG Bù Gia Mập, thêm 30 phút chạy xe trong đường tuần tra biên giới chúng tôi đến Trạm kiểm lâm số 2. Khoảng thời gian di chuyển từ trạm kiểm lâm đến điểm cắm trại tại suối Đắk Ca không xa lắm. Tuy nhiên, là lối mòn và dốc cao nên “thử thách” này vô cùng hấp dẫn các bạn trẻ. Tận dụng trải nghiệm đã tích lũy, có bạn lựa chọn lối đi zíc zắc để hạn chế trơn trượt nhưng cũng có người dùng gậy để làm phương tiện hỗ trợ đi lại. 2 giờ trôi qua, tiếng hát của mọi người hòa lẫn dàn giao hưởng các loại chim, chúng tôi đã có mặt tại địa điểm cắm trại.
Thác Đắk Bô là một trong những cung đường nhiều khách du lịch đam mê và muốn chinh phục
2 ngày 1 đêm ăn tết tại rừng là quãng thời gian trải nghiệm không thể quên. Lựa một vị trí đất bằng phẳng cạnh suối Đắk Ca, chúng tôi được hai thành viên dẫn đoàn hướng dẫn kỹ năng mắc võng, che tăng trên cây để ngủ. Sau đó, tùy theo số lượng người để phân chia công việc phù hợp. Để có tiệc nướng ngoài trời và giữ ấm cơ thể vào buổi tối, chúng tôi theo hướng dẫn viên đi kiếm củi. Bên bếp lửa hồng, ai nấy tranh nhau vị trí “bếp trưởng” để sáng tạo món ăn của mình. Góc bếp dã chiến nghi ngút khói, những con gà được nướng vàng ươm trên than hồng, canh thụt và thịt kho trứng nấu trong ống lồ ô tỏa mùi thơm nức. Dưới cái lạnh của ngày xuân đất rừng, chúng tôi quây quần bên nhau ăn bữa cơm tết. Ở rừng, nhưng bữa cơm ngày tết cũng đầy đủ bánh chưng, dưa kiệu, thịt kho trứng… Trong bao la của thượng ngàn, những món ăn tinh thần đã xuất hiện. Và cải lương “made in VQG Bù Gia Mập” là một hoạt động khá vui và gắn kết tinh thần tập thể. Một bài ca có khi chỉ vỏn vẹn 3 chữ, nhưng đó là cảm nhận của người hướng dẫn dành tặng từng thành viên trong đoàn. Khi các “nghệ sĩ” hát xong, ai có năng khiếu âm nhạc lại ca hò đối đáp hoặc đơn giản là ngồi bên nhau với cây đàn ghita, nghêu ngao những bài hát đón xuân dưới cánh rừng bao la.
Đêm đón tết tại cung này, chúng tôi được trải nghiệm hoạt động câu cá lúc 22 giờ, được thỏa đam mê với các kiểu chụp hình nghệ thuật. Ngày thứ 2, chúng tôi dành phần lớn thời gian để tham quan cung đường. Những ngọn thác hùng vĩ, những cây cổ thụ nằm vắt vẻo trên đường vô tình tạo thành một chiếc cầu và cả những dòng suối mát lạnh sẽ lôi cuốn du khách. Trên cung đường này, chắc chắn du khách sẽ không thể bỏ qua việc chụp ảnh, ghi hình cùng thiên nhiên kỳ vĩ của tạo hóa.
Anh Kiều Đình Tháp cho biết: Hiện nay có 6 cung đường du khách có thể tham quan, khám phá và trải nghiệm tại VQG Bù Gia Mập. Trong đó, du khách thường lựa chọn các cung như: Thác Đắk Mai – suối Đắk Ca – thác Lưu Ly; đường tuần tra biên giới – giếng trời – thác Đắk Bô; đồi 702 – Đắk Ca – Trạm kiểm lâm số 2. Mỗi cung đều đặc trưng cho những sinh cảnh của VQG Bù Gia Mập. Có cung là những sinh cảnh rừng gỗ bạt ngàn, với nhiều cây gỗ hàng trăm năm tuổi như sao đen, bằng lăng, các loài cây họ dầu, cây họ đậu… Cũng có cung đường đi ngắm sinh hoạt về đêm của các loại thú, chim, vọoc ngũ sắc, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, chim hồng hoàng… Ăn tết ở rừng, du khách còn được thả lưới bắt cá, nấu cơm, đốt lửa, nấu nước trong ống lồ ô và thưởng thức những món ăn địa phương như canh thụt, canh bồi, cơm lam, rượu cần do chính người S’tiêng và M’nông ở đây nấu.
THIÊN ĐƯỜNG CỎ XANH
Là một cụm gần 20 trảng với diện tích khoảng 500 ha ở thôn 7, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, trảng cỏ Bù Lạch là điểm đến không còn xa lạ với du khách ưa khám phá. Trảng cỏ rộng vậy, nhưng ở đây chỉ duy nhất một loại cỏ kim mọc sát mặt đất. Đan xen với loại cỏ này là loài hoa dại màu tím. Vì thế, khi vừa đặt chân tới trảng du khách sẽ cảm nhận được tiếng gió quyện tiếng chim rừng ríu rít, ngút tầm mắt những trảng cỏ xanh uốn lượn kéo dài. Góp phần tô điểm thêm cho bức tranh ấy là những bàu nước trong vắt, phản chiếu mây bồng bềnh trôi lững lờ trên bầu trời xanh ngắt. Khoảng không gian vui nhộn hơn khi đàn trâu đang thong dong ngặm cỏ từ xa, tiếng lục lạc vang lên như một khúc ca trữ tình
Đến với trảng cỏ ngày xuân, du khách có nhiều lựa chọn để trải nghiệm. Nếu tìm đến những căn nhà của người S’tiêng, M’nông, du khách được chỉ tận tình cách nấu các loại canh thụt, canh bồi và cách săn cá vào ban đêm – đặc trưng của người M’nông ở đây. Nếu yêu thích lịch sử, du khách có thể tìm đến già làng Điểu Bá Lộc hay ông Điểu Bên – kho tàng sống các ký ức về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, những năm tháng giã gạo nuôi quân ở miền sơn cước Bù Đăng. Nếu muốn hòa mình vào thiên nhiên, thì câu cá, bắt tép tại các bàu nước cũng là lựa chọn không kém phần hấp dẫn.
Bạn Nguyễn Thị Kiều Diễm là du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh. Diễm thường rủ một vài người bạn tìm về trảng cỏ Bù Lạch để thoát khỏi đô thị ồn ào và quá tấp nập. Diễm cho biết: “Trảng cỏ đẹp với hoa dại màu tím, những nét văn hóa bản địa gần gũi và sinh động. Tôi thường dành 1 ngày 1 đêm cắm trại ở đây. Ban ngày sẽ khám phá trảng cỏ, tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng, “check in” các địa điểm đẹp như thiên đường. Lúc gần tối, mọi người cùng dựng lều và tổ chức tiệc nướng ngoài trời. Giữa không gian bao la của từng trảng, mọi người cùng ngồi bên nhau, ca hát, nhảy múa, thưởng thức các món ăn như gà nướng, heo rừng nướng, tép đồng xào… Giữa thiên nhiên bao la ấy, mùi thơm của bắp, khoai hay gà, heo rừng nướng quyện với men của rượu cần khiến du khách cảm thấy lòng bình yên đến lạ.
Những năm gần đây, xu hướng đến các nơi còn hoang sơ để chào đón năm mới là lựa chọn của rất nhiều khách du lịch. Và nếu lỡ “kết” loại hình du lịch này, hãy đến Bình Phước những ngày đầu năm mới để cảm nhận sự thong thả và rất đỗi nên thơ của vùng quê yên bình này.