Du xuân miền sơn cước

Du xuân miền sơn cước
Xuân về, trời Bình Phước như xanh hơn, những cánh rừng cao su trút lá càng làm cho phong cảnh thêm trữ tình. Tạm xa nơi đô thị ồn ào, du khách có thể đến với miền sơn cước Bù Đăng để thưởng thức dòng nước mát trải dài trên những tảng đá tự nhiên của thác Đứng hùng vĩ ở xã Đoàn Kết.

Rời thác Đứng, du khách có thể đến trảng cỏ Bù Lạch với những bãi cỏ rộng lớn xanh mướt trải dài bao bọc các bàu nước xanh trong, xung quanh là rừng nguyên sinh bạt ngàn ở xã Đồng Nai. Hay điểm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào S’tiêng là ngôi nhà dài của già làng Điểu Đố ở sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong hoặc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh. Ở đây, du khách được nghe những câu chuyện mang tính huyền bí, hoang sơ, như phong tục bắt ma lai, thú dữ để bảo vệ dân làng; cưới vợ trả của; lễ hội mừng lúa mới, cầu mưa… hay những câu chuyện hẹn hò của đôi trai gái trong làng dưới dòng thác Đứng trong đêm trăng.

Đến với lễ hội biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc S’tiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo của đồng bào, du khách không chỉ quây quần ca hát mà còn được đốt lửa thiêng, uống rượu cần… và ôn lại truyền thống giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 


Thác Đứng không chỉ là nơi du xuân lý tưởng cho du khách ở xa đến mà còn cuốn hút cả với người dân tộc bản địa nơi đây

 

 

Du khách ngắm thác Đứng khi ngồi trên những phiến đá giữa lòng suối. 

 

Đôi trai gái ngồi trò chuyện trên những phiến đá dưới tán cây cổ thụ vươn ra giữa lòng thác

Thưởng thức rượu cần là việc du khách không thể bỏ qua khi đến với lễ hội của đồng bào S’tiêng.

Du khách Raymon ở Newzeland tham quan Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.

 

Tiếng cồng chiêng vang lên bên ánh lửa bập bùng khai màn cho đêm tiệc bằng các loại hình nghệ thuật dân gian đậm bản sắc văn hóa của đồng bào S’tiêng.

 

Đông đảo người dân tham gia đêm hội biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc S’tiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.

 

 

 

Đến Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo du khách còn được xem các nghệ nhân đồng bào S’tiêng biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, như đinh jút, kèn lá, sáo trúc… Tối đến, tiếng chày giã gạo của thanh niên S’tiêng ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo lại vang vọng khắp núi rừng hòa cùng lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, gợi lại một thời giã gạo nuôi quân đánh giặc của đồng bào S’tiêng.

 

Mặt trời dần khuất sau rặng núi, anh Điểu Sroi lại cất lên tiếng kèn bầu âm vang cả núi rừng. Trảng cỏ Bù Lạch về chiều như trải dài mênh mang theo tiếng kèn của anh.

 

Chiều yên bình trên trảng cỏ Bù Lạch, du khách thử tài câu cá ở bàu nước

Anh Điểu Sroi, người S’tiêng ở xã Đồng Nai đang nướng chiến lợi phẩm sau gần 2 giờ kiên trì câu cá. Vừa nướng anh vừa hát bài dân ca của đồng bào mình khi bắt được con cá, con thú.

 

Một nhóm du khách say sưa với tiếng đàn ghi ta và quây quần bên bạn bè sau 1 năm vất vả lo cơm áo gạo tiền. Những ngày xuân họ an nhàn hòa mình vào không gian thoáng đãng của trảng cỏ Bù Lạch cùng ôn lại những kỷ niệm đã qua

Sau khi thỏa sức ngắm cảnh, chụp ảnh, bơi lội, du khách ngồi nghỉ trên bờ chuẩn bị thức ăn (chủ yếu là các món nướng), sau đó vừa thưởng thức vừa ngắm cảnh và hàn huyên những câu chuyện đầu năm.

Nguồn tin: Báo Bình Phước