Du lịch Bình Phước nỗ lực vượt Covid-2019 - Bài 1
- Thứ sáu - 21/02/2020 09:34
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng đứng trước thiệt hại hữu hình và vô hình. Dịch Covid-19 đang vào kỳ cao điểm và chưa có dự báo khi nào kết thúc. Để ứng phó với tình hình này, ngành du lịch của tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực trong quản lý, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ; đồng thời, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp thêm “kháng thể” để vượt qua dịch Covid-19 với thiệt hại thấp nhất có thể.
“KHÁNG THỂ” ĐỂ NGÀNH DU LỊCH VƯỢT QUA DỊCH
Dịp trong và sau tết Nguyên đán là cao điểm của ngành du lịch - mùa lễ hội, hành hương, du xuân. Nhưng dịch bệnh Covid-19 đến đúng thời điểm này đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành. Mặc dù các hãng hàng không vẫn hoạt động, nhà hàng, cơ sở lưu trú, tuyến điểm du lịch vẫn mở cửa nhưng phần lớn du khách “nói không với xê dịch”. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã làm gì để vượt qua khó khăn này?
Du khách đã đặt tour trước tết Nguyên đán Canh Tý 2020 - khi chưa có dịch bệnh Covid-19, chỉ muốn hủy tour, số ít hoãn tour và không chịu thiệt hại. Điều này khiến các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh chới với, căng mình xử lý và tìm cách để đứng vững khi dịch đang vào kỳ cao điểm. Các điểm du lịch trong tỉnh cũng giảm số lượng khách.
CĂNG MÌNH VỚI “BOM NỔ CHẬM” MANG TÊN COVID-19
Hiện Tổng cục Du lịch chỉ yêu cầu tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố Trung Quốc đang có dịch, có người mắc bệnh dịch, không đón khách du lịch từ vùng có dịch vào Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị đã hủy tour, dời tour trong khi có những tour đã đặt không đi qua (đến nơi) có người mắc dịch bệnh Covid-19, vùng có dịch. Điều này gây khó khăn trong thủ tục hủy tour hoặc chuyển thời gian các tour đối với công ty cũng như khách hàng.
Khách du lịch đến tham quan tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập
Dịch Covid-19 diễn ra là điều bất ngờ, công ty cũng đang căng mình xử lý thiệt hại do dịch gây ra. Đồng thời, mong muốn chính quyền có thể can thiệp giảm thuế và có các gói vay ưu đãi để hỗ trợ đơn vị lữ hành vượt qua giai đoạn khó khăn, có thể phục hồi khi dịch đi qua. Đối với khách hàng, rất mong đồng hành, chia sẻ với công ty trong các trường hợp bất khả kháng như mất chi phí vé máy bay đến các vùng không bị dịch thì không được hoàn lại...; và tiếp tục ủng hộ, sử dụng dịch vụ khi tình hình ổn định trở lại. Bà Đoàn Thị Thu Thủy |
Bà Đoàn Thị Thu Thủy, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH đầu tư phát triển du lịch Nắng Sài Gòn (Saigon Sun Travel) - Chi nhánh Miền Đông, ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho biết: Trong quý 1/2020, tổng công ty đã bị dời/hủy tour khoảng 100 đoàn, trong đó du lịch nội địa chiếm 40%, quốc tế 60%. Riêng Saigon Sun Travel - Chi nhánh Miền Đông, được thành lập từ tháng 9-2019 ở Bình Phước bị ảnh hưởng lớn. Những tour đã ký hợp đồng bị dời lại, hủy tour, các tour trong quá trình đàm phán thì hầu như chưa có phản hồi về thời gian. Các hợp đồng đã ký kết, công ty đều đặt trước các dịch vụ. Trong đó, dịch vụ vận chuyển bằng đường hàng không thì khách hàng phải chịu tổn thất 100% nếu hủy chuyến bay. Còn các chi phí khác, công ty sẽ đàm phán để khách hàng không phải chịu thiệt hại. Tuy nhiên, tâm lý khách hàng thường không ai muốn mất tiền khi chưa sử dụng dịch vụ, điều này cũng gây cho một số khách hàng cảm giác không hài lòng. Đây là điều các công ty lo ngại nhất. Nếu dịch bệnh không được dập tắt sớm thì đó là một bài toán khó cho công ty về vấn đề tài chính, nhân sự.
Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Bình Phước (SAIGONBP TOURIST) Ngô Thành Lâm, ở phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài cho biết: Từ sau tết Nguyên đán đến nay, công ty hủy 6 tour đã đặt từ trước tết đối với các đơn vị trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại 90% so cùng kỳ năm 2019. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch là thực trạng chung và đặt ra nhiều thách thức. Khi dịch bệnh diễn ra, công ty đã chủ động đàm phán với các dịch vụ lưu trú, vận tải... để khách hàng không bị thiệt nhiều về tài chính đối với các đoàn đã đặt cọc dịch vụ.
Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập Vương Đức Hòa cho biết: Vườn quốc gia là điểm du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên thu hút nhiều khách du lịch từ các tỉnh, thành khác đến tham quan. Nhưng năm nay dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động tham quan, du lịch của đơn vị. Thực hiện việc chống dịch bệnh theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ngày 5-2-2020, đơn vị đã yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân viên không tổ chức tiếp đón khách gồm khách cơ quan, khách tham quan du lịch, các đoàn đến tham quan học tập kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, trừ một số trường hợp đặc biệt do giám đốc quyết định. Hiện vẫn chưa có quyết định ngày mở cửa đón khách du lịch và tham quan trở lại.
“KHÁNG THỂ” CHO NGÀNH DU LỊCH
Theo báo cáo của các đơn vị, tổng lượt khách tham quan trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau tết Nguyên đán Canh Tý (từ ngày 16-1 đến 29-1-2020) đạt 91.344 lượt khách. Doanh thu du lịch ước đạt 35,27 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ khi có dịch Covid-19, nhiều đơn vị có số lượng khách tham quan giảm, có những đơn vị chọn giải pháp đóng cửa không đón khách như Vườn quốc gia Bù Gia Mập.
Dịch Covid-2019 là “bom nổ chậm”, song cũng là lúc thử thách đối với ngành du lịch. Nếu các công ty, đơn vị kinh doanh chọn cách “lội ngược dòng” để xây dựng hình ảnh, uy tín, tạo bản sắc riêng cho mình thì sẽ thu hút khách hàng quay lại, đồng hành với đơn vị vượt qua khó khăn. Đây cũng là cách để tự tạo ra “kháng thể” cho ngành du lịch đứng vững trong đợt dịch này.
Khách đến tham quan, du lịch tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập
Bà Đoàn Thị Thu Thủy, Giám đốc Saigon Sun Travel - Chi nhánh Miền Đông cho biết thêm: Hiện các nhân viên của Saigon Sun Travel tập trung sales call, thiết kế các chương trình tour đặc sắc hơn, đồng thời tập trung chăm sóc và tiếp cận khách hàng để có sự chuẩn bị tốt nhất khi dịch Covid-19 đi qua. Saigon Sun Travel cũng đã chuẩn bị khẩu trang y tế, nước diệt khuẩn phục vụ khi đưa đoàn khách đi tham quan các điểm an toàn.
Bên cạnh tập trung khắc phục khó khăn, hiện đơn vị vẫn hướng đến chăm sóc nhóm “thượng đế” thông minh - tranh thủ cơ hội với các dịch vụ tốt nhất nhưng giá mềm. Phần lớn du khách hạn chế đi lại nên các hãng hàng không có giá rất rẻ. Trong khi đó, các điểm du lịch an toàn vẫn hoạt động đón khách bình thường với chất lượng dịch vụ, phục vụ rất tốt. Từ đó, đơn vị cho ra các tour đặc sắc, chất lượng giúp khách hàng thêm nhiều lựa chọn - ông Ngô Thành Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Sài Gòn Bình Phước chia sẻ.
Bình Phước có 4 sản phẩm du lịch chính, gồm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cuối tuần và du lịch văn hóa. Hiện toàn tỉnh có 10 công ty lữ hành, trong đó 2 công ty lữ hành quốc tế, 8 công ty lữ hành nội địa. Tỉnh cũng có hơn 500 cơ sở lưu trú, trong đó 76 cơ sở được xếp hạng lưu trú và đang hoạt động. Với đa dạng sản phẩm du lịch, nhiều năm qua Bình Phước là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm. Năm 2019, toàn tỉnh đón 912.270 lượt khách, doanh thu 570,7 tỷ đồng. Ông Đỗ Minh Trung |
Hiện dịch Covid-2019 chưa dự báo được thời điểm kết thúc nên sự thiệt hại kéo theo chuỗi hiệu ứng domino. Hằng năm vào quý 1, các công ty cao su, cơ quan hành chính, doanh nghiệp công việc chưa nhiều. Đây là thời điểm tốt để các đơn vị này du xuân. Đến quý 2 là mùa du lịch của các trường học. Nếu dịch qua đi sau thời điểm này, các đơn vị đã bắt đầu hoạt động trở lại bình thường, không còn thời gian để tham gia du lịch. Mùa hè năm nay khả năng các trường học phải tăng cường bù chương trình cho học sinh nên hạn chế đi du lịch. Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu thấy rõ của ngành du lịch trong năm 2020.
Với những khó khăn đã và đang đặt ra, việc hỗ trợ kịp thời từ cơ quan nhà nước về giảm thuế, ngân hàng tạo điều kiện vay vốn với lãi suất thấp cùng sự chia sẻ của khách hàng với doanh nghiệp sẽ là kháng thể giúp ngành du lịch vượt qua đợt dịch Covid-2019 với tổn thất thấp nhất.
Ngọc Bích
https://baobinhphuoc.com.vn/Content/du-lich-binh-phuoc-no-luc-vuot-covid-2019---bai-1-372410