Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch 2013
- Thứ ba - 04/06/2013 09:02
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn cảnh Hội nghị
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Tổng cục du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Ban Quản lý Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Chương trình ESRT) tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam năm 2013.
Mục đích Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá công tác xúc tiến du lịch từ năm 2000 đến nay, từ đó phân tích thuận lợi, thành quả, chỉ ra tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm. Đồng thời đề ra các sáng kiến, giải pháp cơ chế chính sách huy động các hoạt động xúc tiến du lịch nhằm nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến du lịch.
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xúc tiến du lịch từ năm 2000 đến nay, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp đến năm 2020; chia sẻ về việc đề xuất Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2020 và Kế hoạch hành động marketing du lịch Việt Nam giai đoạn 2013-2015 của chuyên gia ESRT; chia sẻ kinh nghiệm đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch các địa phương; kinh nghiệm tăng cường hoạt động marketing của doanh nghiệp du lịch lớn...Từ đó, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho các hoạt động xúc tiến du lịch đồng thời nêu lên kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của hoạt động xúc tiến du lịch.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn, việc thực hiện những nội dung trên có nhiều thách thức, đòi hỏi một cách tiếp cận và hành động chiến lược, bài bản, hệ thống và trong mối gắn kết chặt chẽ với công tác nghiên cứu thị trường, phát triển và quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ và phát triển thương hiệu du lịch từ trung ương đến địa phương và từ khu vực nhà nước đến tư nhân.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, để thực hiện những mục tiêu trên cần đánh giá một cách thẳng thắn, khách quan về hiện trạng công tác xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt cần phân tích những nguyên nhân của các tồn tại và trao đổi, thống nhất các giải pháp mang tính đột phá trong thời gian tới.
Trong đó, bên cạnh việc chú trọng tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến quảng bá du lịch, cần thực hiện triển khai nhiệm vụ xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa từ trung ương đến địa phương, có trọng tâm, trọng điểm và đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc tế, tìm ra giải pháp huy động nguồn lực cho công tác xúc tiến quảng bá, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch quốc gia.
Đồng thời, cần đầu tư nghiên cứu, đề xuất ban hành các mô hình, cơ chế hợp tác và liên kết giữa các thành phần Nhà nước và tư nhân, quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và các thành phần kinh tế, xã hội nhằm huy động các nguồn lực cho hoạt động xúc tiến du lịch.