Học phong cách quần chúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
- Thứ hai - 17/07/2017 09:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Phong cách quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện bằng phong cách sát quần chúng, vì lợi ích của quần chúng, đi đúng đường lối của quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
|
Những ngày ở Việt Bắc, Hồ Chủ tịch tự chẻ củi, nấu ăn. (Ảnh: tư liệu) |
Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời, không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”. Vì vậy, “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, kính dân, phải thân dân, gần dân, để hiểu dân.
Trong lịch sử dựng nước, giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, các anh hùng dân tộc, như: Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Lê Lợi,… đều xuất phát từ quan điểm “thần dân” để chống ngoại xâm, giữ nước. Nếu ở Nguyễn Trãi “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; thì Nguyễn Huệ, khi tập hợp nghĩa binh lúc đánh Nam, dẹp Bắc, trước sau vẫn mang tư tưởng kiên định là: “Cứu đời yên dân”. Đặc trưng hàng đầu, nổi bật trong tư tưởng, quan điểm thân dân của các vị anh hùng dân tộc ngày xưa, là phục vụ nhân dân tức đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Trong bức thư gởi các cấp chính quyền nhân dân sau cách mạng tháng 8/1945, tự tay Hồ Chủ tịch đã vạch rõ cái điều đổi mới có ý nghĩa cốt lõi nhất là: “các cơ quan chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là đày tớ của dân”.
Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm là “người đày tớ của dân” trước hết ở nếp sống giản dị. Ngay buổi lễ trang nghiêm, với lời thề độc lập vang lên trong ngày 2/9/1945, giữa Quảng trường Ba Đình, trước đông đảo quần chúng nhân dân, nhưng vị lãnh tụ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, lần đầu tiên xuất hiện công khai trên lễ đài độc lập của tổ quốc anh hùng, với bộ quần áo đơn sơ, với đôi dép bình dị còn mang theo gió sương hơn một phần ba thế kỷ lặn lội trên khắp năm châu bốn biển, nhân dân đã nhận ra một vị chủ tịch khác thường, không phải một hoàng đế mặc áo hoàng bào hoặc nhân vật tỏ ra có nhiều vẻ đặc biệt, mà là một vị lãnh tụ của nhân dân, đã từ bỏ tất cả các lễ tiết, tất cả hình thức.
Ngay sau khi tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã lập tức xác định với các cấp chính quyền cách mạng rằng: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập không có nghĩa lý gì”.
Hồ Chí Minh không chỉ nói, mà thực hành trọn đời mình, chính là tấm lòng vô vàn yêu thương nhân dân của một người đày tớ tuyệt đối trung thành với toàn thể nhân dân – một người đày tớ đã đi “mưu cầu đời sống hạnh phúc cho hết thảy mọi con người, chứ không phải cho một thiểu số”, kể làm sao cho xiết, những việc làm và ý nghĩa của Hồ Chí Minh đã từng ngày chăm lo đến nhân dân và đất nước. Thu đến, Bác lo quà trung thu cho các cháu; Tết đến Bác lo việc ăn tết của các gia đình. Người không quên gửi lụa biếu các phụ nữ sinh đôi, sinh ba, người cũng không hề quên gửi thư chúc mừng các cụ già sống ngót thế kỷ… Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khái quát: “Đối với mỗi nhà Việt Nam, Bác là một người trong gia đình thân thiết như cha với con. Đối với người Việt Nam, Bác là lương tâm tuyệt vời trong sáng, luôn luôn thấu hiểu từ bên trong mọi ý nghĩ và nguyện vọng của mình”.
Nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Để thật sự là đày tớ của nhân dân, theo Hồ Chí Minh cần phải phòng ngừa không để cho viên chức phục vụ trong nhà nước cách mạng “từ chỗ là đày tớ xã hội trở thành ông chủ xã hội”. Cần phải phòng ngừa không để cho các viên chức cách mạng “biến thành những kẻ quan liêu, nghĩa là biến thành những nhân vật đặc quyền, đặc lợi, tách rời khỏi quần chúng”. Ngay từ những ngày đầu lập nước, Hồ Chí Minh đã quan tâm tức khắc đến việc ngăn chặn các đặc quyền, đặc lợi vốn sinh ra chủ nghĩa quan liêu “một điểm hiển nhiên nhất, quan trọng nhất trong vấn đề nhà nước” mà Mác đã chỉ rõ.
Trong suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh lúc nào cũng luôn quan tâm chống chủ nghĩa quan liêu và các đặc quyền, đặc lợi và Người cũng chẳng yêu cầu một đặc lợi đặc quyền nào cả cho bản thân Người.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp từng kể lại rằng: “Các việc Bác nêu để yêu cầu đồng bào thực hiện đều là những điều Bác đã làm bền bỉ suốt cuộc đời. Nếu là những việc bây giờ mới đề ra thì Bác gương mẫu làm trước. Ví như việc hô hào nhân dân mười ngày nhịn ăn một bữa để cứu đói. Mỗi tháng ba lần đến bữa không ăn, Bác tới lấy phần gạo của mình, tự tay đổ vào hòm gạo chống đói. Một hôm, đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để gom gạo, thì Tiêu Văn – Trưởng ban Chính trị Quân đội Tưởng Giới Thạch mời Bác đến dự chiêu đãi. Bác vẫn quyết định nhịn ăn một bữa vào ngày hôm sau.
Quan niệm của Hồ Chí Minh, là người đày tớ của nhân dân, biểu hiện sâu sắc đức tính “yêu thương con người”. Yêu thương con người là đức tính cơ bản, đặc trưng nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh là cơ sở hình thành những quan điểm của Người về cách ứng xử với con người, vì con người, yêu thương con người. Trong đó, tin tưởng quý trọng con người (trọng nhân); yêu thương con người (ái nhân); giúp người, cứu người, hướng tới giải phóng triệt để con người (cứu nhân) là những quan điểm chủ yếu.
“Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân”, là một chân lý được Hồ Chí Minh tổng kết, thể hiện sự tin tưởng, quý trọng và mong muốn con người “phải thực hành hai chữ bác ái”. Đó là tình thương yêu đồng loại của con người một cách sâu sắc và bao dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân đầy đủ nhất./.